Ảnh hưởng của COVID-19 với trẻ em

Ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 tới sức khỏe, kinh tế, xã hội toàn cầu rất rõ ràng. Nhưng đó là trong thế giới của người lớn. Vậy còn trẻ em thì sao? Liệu những mầm non được bao bọc, chở che trong vòng tay ấm áp của bố mẹ có chịu ảnh hưởng gì từ đại dịch này không? Câu trả lời là có, thậm chí nhiều không kém so với các bậc phụ huynh. Bạn cùng mình khám phá 5 ảnh hưởng của COVID-19 với trẻ em nhé!

Nội dung chính

Thay đổi thói quen sinh hoạt

Thay vì được đến trường, gặp gỡ bạn bè và vui chơi ngoài trời, giờ đây trẻ ở nhà mỗi ngày. Trẻ dành phần lớn thời gian để theo dõi màn hình máy tính trong các giờ học online và ít vận động thể lực. Nếu không có tiết học buổi sáng, trẻ có thể thức đêm muộn rồi ngủ nướng tới tận trưa hôm sau. Trẻ thường xuyên ăn uống thất thường, hay bỏ bữa sáng và ăn vặt trong ngày nhiều hơn. Sự xáo trộn trong thói quen sinh hoạt, ăn uống khiến hệ miễn dịch của trẻ suy giảm, tạo điều kiện cho vi khuẩn, virus tấn công. Bên cạnh đó, nguy cơ thừa cân, béo phì và các vấn đề về răng miệng cũng tăng lên theo chế độ dinh dưỡng không hợp lý của trẻ.

Lời khuyên cho các bố mẹ là hãy cùng trẻ xây dựng thời gian biểu mới. Nên phân chia rõ ràng khung giờ thức dậy, đi ngủ, học bài, vận động thể lực, ăn uống và nghỉ ngơi hợp lý. Bố mẹ cũng nên giải thích, hướng dẫn và chuẩn bị 3 bữa ăn chính và các bữa ăn phụ trong ngày cho con. Dinh dưỡng cân bằng, hợp lý đóng vai trò quan trọng tới sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ em. Bên cạnh đó, hoạt động thể lực cũng góp phần duy trì và cải thiện sức khỏe. Ưu tiên lựa chọn các bài tập, môn thể thao trong không gian gia đình và sân vườn như yoga, đá cầu, thể dục nhịp điệu… để hạn chế ra khỏi nhà.

duy trì sức khỏe cho trẻ trong mùa dịch bệnh
Duy trì sức khỏe cho trẻ trong mùa dịch bệnh COVID-19

Gián đoạn kế hoạch chăm sóc sức khỏe

Lịch tiêm phòng, uống vitamin, lịch khám bác sĩ có thể tạm ngừng trong thời kỳ đại dịch. Vấn đề này đặc biệt quan trọng với trẻ nhỏ và những trẻ có bệnh lý mãn tính như động kinh, hen phế quản, rối loạn chuyển hóa… Hậu quả là trẻ có khả năng mắc các bệnh truyền nhiễm do không được tiêm vắc-xin theo đúng lứa tuổi hoặc không được điều chỉnh liều thuốc phù hợp với tình trạng bệnh.

Lời khuyên cho các bậc phụ huynh là hãy chủ động gọi điện với các trung tâm y tế, bệnh viện để hỏi thăm tình hình dịch bệnh cũng như xin ý kiến tư vấn từ các chuyên gia. Sau khi dịch bệnh ổn định, bố mẹ tiếp tục tuân thủ lịch trình chăm sóc sức khỏe cho trẻ càng sớm càng tốt.

Cô đơn và lo lắng

Giãn cách xã hội có thể khiến trẻ cảm thấy cô đơn, buồn chán khi phải ở nhà 24/7. Trẻ sẽ nhớ ông bà, họ hàng, bạn bè, thầy cô, người yêu vì không có cơ hội đi thăm, gặp gỡ và trò chuyện với họ. Bên cạnh đó, trẻ cũng có thể cảm thấy lo lắng, sợ hãi và đau buồn khi người thân hoặc bạn bè mắc COVID-19.

Để giúp trẻ vượt qua cảm xúc khó chịu này, bố mẹ hãy tạo điều kiện cho trẻ duy trì kết nối với bạn bè và người thân. Những tin nhắn, cuộc gọi video sẽ giúp trẻ bớt cảm giác nhớ nhung và cô đơn. Bố mẹ cũng nên dành thời gian tâm sự, vui chơi và nghỉ ngơi cùng trẻ. Bên cạnh đó, dạy trẻ cách chọn lọc và tiếp nhận thông tin từ những nguồn tin uy tín cũng là biện pháp quan trọng để giúp trẻ tránh cảm giác hoang mang, lo lắng.

Bỏ lỡ sự kiện, kỉ niệm quan trọng

Sinh nhật, lễ tốt nghiệp, kỳ nghỉ hè tươi mát là những sự kiện quan trọng tạm thời phải hoãn lại trong thời gian dịch bệnh COVID-19 bùng phát. Điều này có thể khiến trẻ buồn bã, tủi thân hoặc cáu giận.

Trước những cảm xúc tiêu cực của trẻ, bố mẹ hãy kiên nhẫn và khéo léo trò chuyện, giải thích cho trẻ về quy định giãn cách xã hội. Mặt khác, thay vì liên hoan đông người, bố mẹ có thể tổ chức bữa tiệc online cho trẻ. Video call với ông bà, họ hàng, bạn bè của trẻ để mọi người cùng nhau chúc mừng. Trong kỳ nghỉ hè sắp tới, nếu không thể đi du lịch, bố mẹ hãy lên kế hoạch cho một buổi picnic trong chính sân vườn tại nhà. Những biện pháp này sẽ xoa dịu cảm xúc buồn chán và cáu giận của trẻ.

các hoạt động giúp trẻ vui vẻ trong mùa dịch
Các hoạt động giúp trẻ không buồn chán trong thời gian giãn cách xã hội

Gián đoạn chương trình học tập

Trong thời kỳ dịch bệnh, hầu hết học sinh đều không đến trường và chuyển sang hình thức học trực tuyến. Bên cạnh sự tiện lợi, hình thức học này có thể khiến trẻ em mệt mỏi, căng thẳng vì phải liên tục theo dõi các thiết bị điện tử. Trẻ có thể nhức mỏi mắt kèm theo đau đầu. Cận thị học đường cũng có nguy cơ gia tăng. Thêm nữa, phương thức học trực tuyến cũng là thách thức của cha mẹ và thầy cô với những trẻ thiếu chủ động, thiếu tập trung và chưa theo kịp chương trình. Dịch bệnh COVID-19 cũng đẩy trẻ vào những khó khăn trong ôn tập kiến thức và thi cử, nhất là học sinh cuối lớp 9 hoặc lớp 12.

Để hỗ trợ trẻ, bố mẹ hãy “biến hình” thành thầy cô và gia sư. Hãy kiên nhẫn cùng trẻ học tập, sắp xếp bài vở và ôn luyện kiến thức. Chú ý theo dõi thông tin học tập, thi cử từ phía nhà trường và Bộ Giáo dục.

Một số tài nguyên hữu ích cho bố mẹ

Một cuốn sách bổ ích từ CDC Hoa Kỳ giúp trẻ hiểu hơn về đại dịch COVID-19 cũng như cách bảo vệ sức khỏe bản thân khỏi bệnh tật. Bên cạnh đó, trẻ có thể tô màu và tham gia nhiều trò chơi hay ho trong cuốn sách này.

Một kho tàng trò chơi mà bố mẹ và trẻ có thể tha hồ khám phá. Các trò chơi ở đây có luật lệ dễ hiểu, dụng cụ đơn giản và tổ chức được ngay trong nhà.

Không chỉ người lớn, trẻ em cũng phải đối diện với rất nhiều vấn đề về sức khỏe thể chất, tinh thần và chất lượng cuộc sống trong thời kỳ dịch bệnh COVID-19. Bố mẹ hãy quan tâm, hỗ trợ trẻ để cả gia đình cùng nhau khỏe mạnh và bình an vượt qua đại dịch.

Tài liệu tham khảo: https://www.cdc.gov/coronavirus/2019-ncov/daily-life-coping/caring-for-children.html

Hạnh Trang

Hạnh Trang tốt nghiệp chuyên ngành Bác sĩ Đa khoa và hiện đang là cây viết chuyên nghiệp trong lĩnh vực Sức khỏe Phụ nữ - Trẻ em. Ba giá trị mà cô luôn đề cao trong các bài viết của mình là: tin cậy, gần gũi và hữu ích.

Bài viết cùng chủ đề

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

error: Content is protected !!