3 mẹo giảm nôn nghén khi mang thai

Nôn nghén là hiện tượng bình thường và phổ biến khi bạn mang thai. Hầu hết các trường hợp nôn nghén trong thai kỳ thường nhẹ và không cần phải đi khám cũng như dùng thuốc. Do đó, các biện pháp thay đổi lối sống sẽ là trợ thủ đắc lực giúp bạn giảm nôn nghén khi mang thai. Dưới đây là 3 mẹo cực kỳ hữu ích dành cho bạn.

Nội dung chính

Điều chỉnh chế độ ăn uống

Điều chỉnh chế độ dinh dưỡng là biện pháp hữu ích và đơn giản nhất mà mẹ bầu nên áp dụng. Chế độ ăn uống lành mạnh giúp hạn chế nôn, buồn nôn, đồng thời cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho bạn và thai nhi.

Chia nhỏ bữa ăn trong ngày

Trong thai kỳ, bạn nên ăn ít một và nhiều bữa trong ngày. Biện pháp này giúp bạn bổ sung đầy đủ năng lượng cho cơ thể nhưng không tạo gánh nặng cho dạ dày. Chẳng hạn, nếu trước đây bạn ăn 3 bữa chính một ngày thì bây giờ, bạn có thể chia nhỏ thành 5 – 6 bữa.

Ưu tiên thực phẩm lỏng, mềm, ít gia vị

Cháo, súp, canh, sữa, sinh tố, nước ép là lựa chọn phù hợp cho mẹ bầu ốm nghén. Những món ăn lỏng, mềm này sẽ bổ sung nhanh chóng nước và chất dinh dưỡng cho cơ thể. Nếu mùi thức ăn khiến bạn buồn nôn, nên đợi món ăn nguội bớt rồi hẵng ăn.

Bạn cũng nên ưu tiên lựa chọn và chế biến các món ăn nhạt, ít cay và ít dầu mỡ. Những món ăn như vậy không kích thích mạnh mẽ vị giác và khiến bạn cảm thấy buồn nôn. Đồng thời, chúng cũng hạn chế tình trạng đầy bụng và khó tiêu.

Mặc dù vậy, gừng đã được chứng minh là có hiệu quả giảm thiểu nôn nghén ở phụ nữ có thai. Do đó, mẹ bầu có thể sử dụng thức uống và món ăn có chứa gừng nhé!

thực đơn giảm nôn nghén khi mang thai
Mẹ bầu nên ưu tiên những món ăn lỏng, mềm, nguội, nhạt, ít cay và dầu mỡ

Tăng cường thực phẩm giàu vitamin B6

Nhiều nghiên cứu đã kết luận rằng bổ sung vitamin B6 giúp cải thiện tình trạng ốm nghén. Cách tốt nhất để bạn nạp thêm vitamin này cho cơ thể là thông qua chế độ ăn. Cụ thể, bạn hãy kết thân với cá hồi, ức gà, thịt bò, đậu phụ, đậu cove, đậu đũa, khoai tây. Các loại trái cây như chuối, cam, quả bơ hoặc bánh mỳ nguyên cám, ngũ cốc, hạt dẻ cười cũng rất giàu vi chất này.

Bạn cũng có thể bổ sung vitamin B6 bằng cách uống các loại thực phẩm chức năng. Tuy nhiên, bạn nên hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng để đảm bảo an toàn cho mẹ và em bé nhé!

Đừng để cơ thể bạn thiếu nước

Nôn nghén không chỉ khiến bạn không ăn được mà còn rút cạn lượng nước trong cơ thể. Vì vậy, bên cạnh chế độ ăn phù hợp, bạn cũng cần lưu ý bổ sung đủ nước để cân bằng lại lượng nước và điện giải bị mất sau khi nôn.

Bạn có thể uống nước lọc, sữa hoặc sinh tố, nước trái cây tươi. Nhưng hãy tránh xa rượu bia, chè, cafe và nước ngọt, kể cả nước hoa quả đóng chai nhé! Những đồ uống này vừa khiến bạn buồn nôn vừa ảnh hưởng tới sức khỏe của mẹ bầu.

ăn gì giảm nôn nghén khi mang thai
Uống đủ nước giúp cơ thể mẹ bầu không bị rối loạn điện giải

Đừng quên chăm sóc răng miệng

Môi trường acid từ dạ dày khi lên tới khoang miệng sẽ phá hủy men răng và tăng nguy cơ sâu răng. Do đó, bạn nên súc miệng với nước sạch ngay sau khi nôn để loại bỏ môi trường acid. Mẹo này sẽ giúp bạn bảo vệ sức khỏe đồng thời loại bỏ cảm giác chua lợm, khó chịu trong miệng.

Bên cạnh đó, nếu vị kem đánh răng khiến bạn buồn nôn, hãy đổi sản phẩm khác. Đừng vì nôn nghén mà lơ là chăm sóc răng miệng trong thai kỳ vì bạn sẽ phải trả giá bằng những hậu quả nặng nề đấy.

mẹo giảm nôn nghén cho mẹ bầu
Súc miệng, đánh răng giúp loại bỏ cảm giác khó chịu và bảo vệ sức khỏe răng miệng của mẹ bầu

Sắp xếp ngôi nhà sạch sẽ

Không chỉ chế độ ăn, mẹ bầu cũng nên chăm chút và giữ không gian sống thoáng đãng, sạch sẽ. Mẹo này giúp bạn hạn chế tiếp xúc với những mùi hương khó chịu, đặc biệt nếu bạn là người nhạy cảm với mùi vị.

Bạn có thể mở cửa sổ, bật hút mùi để loại bỏ mùi thức ăn trong phòng bếp. Ánh sáng tự nhiên rọi chiếu vào phòng ngủ sẽ khử khuẩn nhẹ nhàng và ngăn ngừa nấm mốc phát triển. Ngoài ra, sử dụng một chút tinh dầu yêu thích cũng tạo cảm giác sạch sẽ và giảm cảm giác buồn nôn.

cách giảm nôn nghén khi mang thai
Không gian sạch sẽ, thông thoáng sẽ giảm bớt cảm giác buồn nôn

Mặc dù là hiện tượng sinh lý bình thường nhưng đối diện với nôn nghén thai kỳ thực sự không dễ dàng với tất cả mẹ bầu. Riêng đối với tình trạng nôn nghén nặng và kéo dài, bạn nên đi khám để được bác sĩ tư vấn cụ thể hơn nhé!

Hạnh Trang

Hạnh Trang tốt nghiệp chuyên ngành Bác sĩ Đa khoa và hiện đang là cây viết chuyên nghiệp trong lĩnh vực Sức khỏe Phụ nữ - Trẻ em. Ba giá trị mà cô luôn đề cao trong các bài viết của mình là: tin cậy, gần gũi và hữu ích.

Bài viết cùng chủ đề

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

error: Content is protected !!