4 nguyên tắc chăm sóc da mụn khi mang thai

Mụn là vấn đề da liễu phổ biến với tất cả chị em phụ nữ và có thể xuất hiện bất kỳ lúc nào. Khi mang thai, nội tiết tố trong cơ thể bạn biến đổi mạnh mẽ khiến làn da bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Bạn dễ bị nổi mụn hơn và tình trạng mụn cũng nặng nề hơn. Bên cạnh đó, chăm sóc da mụn khi mang thai cũng cần cẩn trọng vì có thể ảnh hưởng tới sức khỏe của thai nhi. Dưới đây, chúng mình sẽ hướng dẫn bạn 4 nguyên tắc quan trọng nhất để bạn dễ dàng xử lý những nốt mụn đáng ghét mà vẫn yên tâm chăm sóc sức khỏe em bé.

Nội dung chính

Không nên uống thuốc trị mụn trong thai kỳ

Uống thuốc là phương pháp trị mụn nhanh chóng và hiệu quả nhất. Tuy nhiên, nhiều loại thuốc có ảnh hưởng xấu tới sự phát triển của thai nhi.

Isotretinoin

Isotretinoin có nguy cơ cao gây dị tật thai nhi. Trước và trong khi điều trị mụn bằng thuốc này, tất cả phụ nữ phải đảm bảo không mang thai. Bạn chỉ nên có bầu sau khi ngừng thuốc 1 – 3 tháng.

Trị liệu bằng hormone

Estrogen hoặc anti androgen (tên thuốc là Flutamid và Spironolactone) là những thuốc ảnh hưởng tới hệ nội tiết của mẹ, từ đó có thể gây hại cho thai nhi.

Kháng sinh

Doxycycline, Minocycline và Tetracycline là những kháng sinh ảnh hưởng tới sự phát triển xương và gây vàng răng ở trẻ em. Các kháng sinh đường uống khác có thể cân nhắc sử dụng trong thai kỳ nhưng cần sự chấp thuận và theo dõi của bác sĩ da liễu.

không sử dụng thuốc điều trị mụn khi mang thai
Phụ nữ có thai không nên tự ý uống thuốc để điều trị mụn

Lựa chọn sản phẩm trị mụn đường bôi phù hợp

Dưới lớp biểu bì (lớp ngoài cùng trên da) là tầng mao mạch dày đặc. Những mạch máu này giúp hấp thu và vận chuyển dưỡng chất từ các sản phẩm chăm sóc da đi khắp cơ thể. Do đó, sản phẩm trị mụn bôi ngoài da tưởng chừng rất an toàn nhưng vẫn có thể ảnh hưởng tới sức khỏe của thai nhi.

Hạn chế sử dụng các sản phẩm chứa Retinoid

Tretinoin, Retinol, Adapalene, Tararoten là những hoạt chất mà mẹ bầu nên cân nhắc kỹ trước sử dụng. Hiện nay, các nhà khoa học vẫn đang tranh cãi về ảnh hưởng của Retinoid tới sự phát triển của thai nhi. Độ thẩm thấu qua da của các sản phẩm bôi chứa hoạt chất này rất nhỏ. Trên thế giới cũng chưa có nghiên cứu rõ ràng về tác hại gây dị tật thai nhi của Retinoid. Tuy nhiên, 4 thai nhi đã được ghi nhận là có biến đổi khi người mẹ sử dụng Tretinoin suốt thai kì. Do đó, hiện nay, Retinoid vẫn không được khuyến cáo sử dụng trong thời gian mang thai.

Nếu không sử dụng Retinoid thì bạn có thể sử dụng sản phẩm nào để điều trị mụn? Câu trả lời là bạn hãy kết thân với những hoạt chất acid an toàn dưới đây.

Aalpha hydroxyl acid (AHA)

Đây là hoạt chất điều trị mụn tương đối an toàn vì khả năng thẩm thấu vào máu thấp dù bạn sử dụng sản phẩm có nồng độ cao. Vì thế, mẹ bầu hãy ưu tiên lựa chọn sản phẩm dưỡng da chứa acid glycolic, acid mandelic, acid lactic nhé!

Acid azelaic

Hoạt chất này giúp giảm lượng vi khuẩn trên da, thông thoáng lỗ chân lông đồng thời hỗ trợ điều trị thâm mụn. Acid azelaic là lựa chọn vừa an toàn vừa hiệu quả, phù hợp cho bạn sử dụng trước, trong và sau thai kỳ.

Salicylic acid (SA) hoặc Beta hydroxyl acid (BHA)

Đây là những hoạt chất thường được sử dụng trong chu trình chăm sóc da với tác dụng hút sạch bụi bẩn, dầu thừa, giúp lỗ chân lông thông thoáng và điều trị dứt điểm mụn ẩn, mụn viêm.

Salicylic acid thuộc nhóm C trong phân loại mức độ an toàn dành cho phụ nữ có thai. Điều đó có nghĩa là hoạt chất này có nguy cơ gây hại tới thai nhi. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng phụ thuộc vào nồng độ, diện tích cũng như liều lượng sử dụng. Hiện nay, salicylic acid vẫn được coi là hoạt chất trị mụn an toàn dành cho phụ nữ có thai với nồng độ 0,5 – 2% phổ biến trên thị trường.

Benzoyl peroxide (BPO)

Các nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng chỉ có 5% lượng bôi của hoạt chất này thẩm thấu được qua da, biến đổi thành acid benzoic, sau đó thải ra ngoài qua nước tiểu. Do đó, mẹ bầu có thể an tâm sử dụng BPO để điều trị mụn dưới sự hướng dẫn của bác sĩ da liễu.

sản phẩm chăm sóc da mụn khi mang thai
Trong thai kỳ, bạn không nên sử dụng sản phẩm chứa Retinoid mà hãy kết thân với các hoạt chất acid an toàn

Dinh dưỡng tốt cho làn da của mẹ bầu

Chế độ dinh dưỡng không chỉ giúp mẹ bầu và thai nhi khỏe mạnh mà còn hỗ trợ tiêu diệt những nốt mụn đáng ghét. Phụ nữ có thai cần ăn đầy đủ tất cả các nhóm chất dinh dưỡng, không nên kiêng khem quá nhiều.

Bạn cũng nên ăn nhiều các loại rau quả giàu vitamin A như cà rốt, ớt chuông, bí đỏ, súp lơ, khoai lang, dưa vàng, đu đủ… Mỗi ngày, mẹ bầu cần khoảng 770 mcg vitamin A, tương đương với 1/2 bát con cà rốt, 2/3 bát con bí đỏ hoặc khoai lang, 2 bát con dưa vàng, 3 bát con ớt chuông hoặc súp lơ xanh. Vitamin A tự nhiên không chỉ hỗ trợ giảm mụn, mang lại làn da khỏe mà còn cần thiết cho sự phát triển mắt của thai nhi. Tuy nhiên, dư thừa vitamin A cũng có thể gây ra nhiều dị tật bẩm sinh ở em bé. Do đó, bạn không nên ăn quá nhiều thực phẩm giàu vitamin A và tự ý uống bổ sung vi chất này trong thai kỳ.

Mẹ bầu nên uống đủ nước và ăn nhiều các loại rau củ quả chứa nhiều nước cũng như chất xơ. Khác với nước uống, lượng nước trong thực phẩm có thể lưu trữ rất lâu trong cơ thể, đi tới từng tế bào, đặc biệt là tế bào da, giúp mẹ bầu có được làn da tràn đầy sức sống và khỏe mạnh. Ngoài ra, trong thời kỳ mang thai, bạn cũng không nên sử dụng các chất kích thích như rượu bia, cà phê…

Hạn chế đồ ngọt cũng là biện pháp cần thiết để ngăn ngừa mụn và phòng tránh đái tháo đường thai kỳ. Bạn nên tránh xa các món ăn, thức uống chứa nhiều đường hóa học như trà sữa, nước ngọt, bánh kẹo…

chế độ ăn cho mẹ bầu bị mụn
Chế độ dinh dưỡng giàu rau xanh, hoa quả giúp mẹ bầu ngăn ngừa và điều trị mụn hiệu quả

Chăm sóc da mụn khi mang thai đúng cách

Để chăm sóc da mụn khi mang thai, bạn nên rửa mặt với nước lọc sạch. Nước nóng và nước muối sinh lý có thể khiến làn da của bạn khô hơn và tăng mức độ nhạy cảm.

Bạn cũng không nên tự cạy, nặn mụn tại nhà vì dễ gây viêm, lây lan vi khuẩn và để lại sẹo rỗ hoặc vết thâm lâu ngày. Nên làm sạch mụn bằng cách lấy nhân mụn đúng cách, giúp làn da của mẹ bầu dễ thở và tăng hiệu quả điều trị.

Hạn chế soi gương trong lúc da xấu là bí quyết giúp bạn có được làn da đẹp. Nghe có vẻ buồn cười nhưng đây thực sự là biện pháp hỗ trợ tâm lý hiệu quả. Càng ít soi gương, bạn càng ít cảm thấy tự ti, mặc cảm về ngoại hình của mình. Từ đó, bạn sẽ vững tin và vui vẻ tuân thủ chế độ điều trị. Tinh thần tích cực là liều thuốc quan trọng nhất trong mọi đơn thuốc.

Cuối cùng, khi có băn khoăn, rối bời hoặc gặp phải vấn đề với làn da, bạn hãy tìm tới bác sĩ và chuyên gia uy tín để được tư vấn chính xác. Đừng tin và nghe theo những lời đồn hoặc lời khuyên trên các diễn đàn, hội nhóm không chính thống để rồi “tiền mất tật mang” nhé!

Tài liệu tham khảo:

  1. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3114665/
  2. https://www.healthline.com/health/pregnancy/glycolic-acid-pregnancy#safety
  3. https://www.medicalnewstoday.com/articles/322291#treatment
  4. https://www.johnmuirhealth.com/health-education/health-wellness/pregnancy-breastfeeding/nutritional-needs-during-pregnancy.html

Dr Hằng Phạm

Hằng Phạm là bác sĩ da liễu. Khao khát của cô là trao gửi kiến thức chính xác, khoa học về làn da cho tất cả mọi người, để bạn không chỉ đẹp mà còn khỏe mạnh và tự tin.

Bài viết cùng chủ đề

2 Comments

Trả lời Phương Anh Nguyễn Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

error: Content is protected !!