Hướng dẫn chi tiết cách chăm sóc răng miệng khi mang bầu và sau sinh

chăm sóc răng miệng khi mang bầu và sau sinh

Trong bài viết Hiểm họa lười vệ sinh răng miệng trong thai kỳ, mình đã giải thích cho bạn vì sao cần chú ý chăm sóc răng miệng khi mang bầu. Hôm nay, mình sẽ tiếp tục hướng dẫn bạn cách chăm sóc răng miệng chuẩn chỉnh. Từ đó, bạn có thể bảo vệ tốt nhất sức khỏe của bản thân và em bé.

Nội dung chính

Khám răng trước khi mang thai

Một số vấn đề răng miệng trong thai kỳ phát sinh do lười đánh răng, súc miệng. Nhưng cũng có những bệnh lý vốn đã tiềm ẩn từ trước và bùng phát mạnh mẽ trong 9 tháng 10 ngày mang thai như viêm lợi, sâu răng hoặc mọc răng khôn. Trong điều kiện hệ miễn dịch suy giảm, các bệnh lý này sẽ biểu hiện dữ dội và dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng như áp xe, nhiễm trùng máu và phải đình chỉ thai nghén để điều trị triệt để cho mẹ.

Để hạn chế tối đa những biến chứng này, bạn cần khám răng trước khi mang bầu. Bạn cũng nên thông báo với bác sĩ về dự định mang thai của mình. Lúc đó, nha sĩ sẽ đánh giá sức khỏe răng miệng, tư vấn và điều trị phù hợp cho bạn. Cụ thể, nếu bạn có răng khôn, bạn sẽ được nhổ trước khi mang bầu. Nếu bạn bị viêm lợi hoặc sâu răng, nha sĩ sẽ giúp bạn điều trị dứt điểm. Ngoài ra, lấy cao răng và mảng bám cũng góp phần giảm thiểu tình trạng viêm lợi trong thời gian mang thai.

Chăm sóc răng miệng khi mang bầu

Chăm sóc răng miệng là biện pháp hiệu quả để mẹ bầu phòng tránh nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng trong thai kỳ.

Đánh răng

Mẹ bầu nên đánh răng 2 lần mỗi ngày, sau khi ăn. Nếu bữa ăn có thực phẩm nhiều acid như cam, chanh, nho, bưởi, đồ uống có ga hoặc bạn vừa nôn nghén xong thì nên chờ 30 – 60 phút rồi mới đánh răng. Có như vậy mới giúp răng sạch và không bị tổn thương.

Bạn cần thực hiện đúng kỹ thuật đánh răng để chải sạch thức ăn và mảng bám xung quanh răng đồng thời không gây tổn thương cho vùng lợi nhạy cảm. Luôn chải nhẹ nhàng và xoay tròn cổ tay chứ không kéo miết, chải chậm và kỹ tất cả các mặt răng, ở cả hàm trên và hàm dưới.

đánh răng đúng cách là thói quen quan trọng để chăm sóc răng miệng khi mang bầu
Chải răng đúng cách là thói quen quan trọng để chăm sóc răng miệng khi mang bầu

Nếu mùi vị của kem đánh răng hiện tại khiến bạn khó chịu và buồn nôn, hãy đổi sang loại kem đánh răng khác. Bạn không cần lựa chọn kem đánh răng chống ê buốt cho răng nhạy cảm vì sử dụng kéo dài loại này có thể làm tăng nguy cơ sâu răng. Tuy nhiên, nên ưu tiên sử dụng kem đánh răng nên chứa fluor để tăng khả năng bảo vệ răng. Ngoài ra, bạn cũng lưu ý lựa chọn bàn chải có lông mềm để hạn chế tình trạng chảy máu chân răng.

Dùng chỉ nha khoa

Hiệp hội Nhi khoa Hoa Kỳ khuyến cáo phụ nữ có thai nên sử dụng chỉ nha khoa 1 lần/ ngày. Chỉ nha khoa sẽ giúp bạn lấy sạch thức ăn mắc trong kẽ răng mà không gây tổn thương lợi.

Cách sử dụng chỉ nha khoa rất dễ. Bạn chỉ cần cắt một đoạn chỉ rồi cuộn 2 đầu chỉ vào 2 ngón tay trỏ. Sau đó, đưa nhẹ nhàng chỉ vào từng kẽ răng để lấy ra hết cặn thức ăn ra. Khi đã thử sử dụng chỉ nha khoa, chắc chắn bạn sẽ nói không với cây tăm vừa nhọn, vừa dễ gây chảy máu lại không lấy được hết thức ăn mắc sâu trong kẽ răng.

dùng chỉ nha khoa giúp chăm sóc răng miệng khi mang bầu đúng cách
Dùng chỉ nha khoa giúp lấy sạch thức ăn trong kẽ răng mà không gây tổn thương lợi

Khám răng định kỳ

Bạn nên khám răng định kỳ 3 – 6 tháng/ lần hoặc theo hẹn của bác sĩ. Khám răng thường xuyên giúp bạn phát hiện sớm các vấn đề về răng miệng để xử trí kịp thời, giảm thiểu các biến chứng nguy hiểm. Ví dụ, điều trị ổn định nha chu sẽ giảm 57% tỉ lệ trẻ nhẹ cân và 50% tỉ lệ trẻ sinh non.

Lưu ý, khi đi khám răng, bạn nên thông báo với nha sĩ là mình đang mang thai. Khi biết được thông tin này, nha sĩ sẽ chú ý tìm kiếm các vấn đề răng miệng phổ biến trong thai kỳ và chỉ định xét nghiệm, phương pháp điều trị phù hợp.

Bạn cũng nên lấy cao răng định kỳ trong mỗi lần đi khám răng. Lấy cao răng và mảng bám không gây hại cho mẹ và bé đồng thời giúp bạn tránh xa tình trạng viêm lợi, sâu răng.

Xử lý các vấn đề răng miệng sau sinh

Trong thời kỳ hậu sản, các mẹ thường bận bịu chăm sóc con nhỏ nên không chú ý chăm sóc răng miệng. Nhưng bạn biết không, luôn tồn tại vi khuẩn trong khoang miệng của bạn. Nếu không vệ sinh đầy đủ, vi khuẩn sẽ sinh sôi mạnh mẽ rồi lây truyền từ miệng bạn sang trẻ nhỏ thông qua ôm hôn, âu yếm hoặc bón thức ăn. Đây chính là lý do vì sao trẻ có mẹ bị sâu răng thường phải đối diện với bệnh lý này rất sớm, ngay từ lúc 6 – 36 tháng tuổi.

Bên cạnh đó, khi bạn lơ là vệ sinh răng miệng hoặc trì hoãn điều trị các vấn đề răng miệng, tình trạng bệnh có thể nghiêm trọng hơn. Lúc này, bạn có thể phải sử dụng kháng sinh, tiến hành tiểu phẫu hoặc phẫu thuật để điều trị dứt điểm. Khi đó bạn sẽ phải ngừng cho con bú. Đây rõ ràng là thiệt thòi lớn lao với trẻ em.

khám răng định kỳ cũng góp phần chăm sóc răng miệng khi mang bầu và sau sinh
Khám răng giúp phát hiện sớm và xử lý kịp thời các vấn đề răng miệng trước, trong và sau thai kỳ

Do đó, ngay cả khi đã kết thúc thai kỳ, bạn vẫn không được lơ là chăm sóc răng miệng. Hãy tiếp tục súc miệng, đánh răng và sử dụng chỉ nha khoa đều đặn như lúc mang thai. Ngoài ra, bạn cũng cần đi khám răng định kỳ và tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ.

Chăm sóc răng miệng trước, trong và sau khi mang thai là vấn đề quan trọng vì ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của cả mẹ và bé. Bạn đừng đánh đổi vài phút chải răng hay một cuộc hẹn với nha sĩ để đổi lấy thời gian nghỉ ngơi và chơi với con. Hãy sáng suốt chăm sóc bản thân vì sức khỏe của bạn và em bé nhé!

Hạnh Trang

Hạnh Trang tốt nghiệp chuyên ngành Bác sĩ Đa khoa và hiện đang là cây viết chuyên nghiệp trong lĩnh vực Sức khỏe Phụ nữ - Trẻ em. Ba giá trị mà cô luôn đề cao trong các bài viết của mình là: tin cậy, gần gũi và hữu ích.

Bài viết cùng chủ đề

2 Comments

Trả lời Thế nào là ở cữ đúng cách? - Sổ tay làm mẹ Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

error: Content is protected !!