Chăm sóc trẻ viêm phế quản tại nhà sao cho đúng?

Vào giai đoạn chuyển mùa, trẻ thường dễ mắc các bệnh đường hô hấp, trong đó phổ biến nhất là viêm phế quản cấp tính. Viêm phế quản ở trẻ em thường không quá nguy hiểm hay ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ nhiều. Điều quan trọng nhất khi trẻ viêm phế quản vẫn là chăm sóc trẻ và theo dõi sát sao các biểu hiện của trẻ. Trong bài viết này, chúng ta sẽ đề cập đến cách chăm sóc trẻ viêm phế quản tại nhà sao cho đúng và hiệu quả, hãy cùng mình tìm hiểu nhé!

Nội dung chính

Những điều cha mẹ cần làm khi trẻ bị viêm phế quản

Các triệu chứng thường gặp ở trẻ viêm phế quản là ho khan hoặc ho có đờm, sốt và sổ mũi. Về bản chất, đây là những phản xạ bảo vệ cơ thể, giúp tống xuất đờm hay virus ra khỏi đường thở. Khi thấy con ho, cha mẹ thường rất sốt ruột, lo sợ con ho nhiều sẽ gây viêm phổi. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn không đúng, cha mẹ hãy yên tâm nhé.

Quay lại với cách chăm sóc trẻ, Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ cùng các tổ chức y tế trên thế giới đã đưa ra vài lời khuyên giúp giảm bớt các triệu chứng của viêm phế quản như sau.

Khuyến khích trẻ uống nhiều nước

Tùy vào sở thích của trẻ, cha mẹ có thể cho con uống nước ấm, sữa, nước hoa quả, nước canh… Việc này giúp cơ thể trẻ tránh bị mất nước, đồng thời nước cũng làm ẩm cổ họng, loãng chất nhầy đờm giúp đường thở thông thoáng, trẻ dễ dàng tống đờm ra ngoài. Một lưu ý nhỏ ít người biết, nước cam, chanh có nhiều vitamin C, tốt cho sức đề kháng, nhưng cũng có nồng độ axit cao, có thể kích thích họng, khiến trẻ rát họng và ho nhiều hơn.

Rửa mũi giảm nghẹt

Đối với trẻ bị sổ mũi, cha mẹ nên dùng dụng cụ hút mũi để hút mũi cho trẻ. Cha mẹ có thể tìm mua tại các nhà thuốc chai xịt chứa nước biển sâu hoặc nước muối sinh lý về rửa mũi cho con. Để trẻ nằm nghiêng rồi dùng nước biển sâu hoặc nước muối sinh lý xịt vào một bên mũi để nước chảy qua mũi bên kia. Việc rửa mũi như vậy giúp nước mũi loãng và dễ chảy hơn. Sau đó, cha mẹ có thể dùng tăm bông ngoáy lấy dịch hoặc yêu cầu trẻ tự xì ra.

Theo dõi nhiệt độ của trẻ

Nếu sốt trên 38,5°C, cha mẹ có thể cho con uống thuốc hạ sốt. Một số loại thuốc hạ sốt có thể dùng là Paracetamol (Efferalgan, Hapacol, Tylenol…), Ibuprofen (Sotstop, Profen, Brufen…). Lưu ý, không nên sử dụng thuốc hạ sốt ibuprofen cho trẻ dưới 6 tháng tuổi. Tham khảo thêm cách sử dụng thuốc hạ sốt đúng cho trẻ.

Tạo không khí dễ chịu trong phòng

Bạn có thể sử dụng máy tạo độ ẩm hoặc phun hơi nước. Không khí ấm và ẩm giúp làm loãng dịch nhầy, rất có ích cho các bệnh đường hô hấp.

Tránh xa khói thuốc lá

Khói thuốc lá là “kẻ thù số 1” của nhiều bệnh lý đường hô hấp bao gồm viêm phế quản. Trong gia đình có người hút thuốc lá, trẻ sẽ bị hút thuốc thụ động khiến cho hệ hô hấp bị phù nề, làm tắc ống thông. Ngoài ra, một thuật ngữ mới là “hút thuốc third-hand”, nghĩa là bố mẹ không hút thuốc, nhưng quần áo bị bám khói thuốc từ người khác và bế trẻ, trẻ vô tình hít phải chất độc thuốc lá bám trên người nên gọi là “third-hand”. Điều này rất hại, khiến trẻ bị viêm đường hô hấp hết lần này đến lần khác.

Hướng dẫn chăm sóc trẻ viêm phế quản tại nhà
5 lưu ý khi chăm sóc trẻ viêm phế quản tại nhà

Có nên tự dùng kháng sinh cho trẻ không?

Hầu hết các trường hợp viêm phế quản ở trẻ em do virus gây ra và không cần phải điều trị bằng kháng sinh. Thuốc kháng sinh chỉ trị được bệnh do vi khuẩn, không trị được bệnh do virus. Việc cha mẹ tự ý dùng kháng sinh cho con khi chưa hỏi ý kiến bác sĩ khiến trẻ phải đối mặt với một số tác dụng phụ của thuốc như nôn, tiêu chảy… thậm chí là đề kháng kháng sinh. Hệ lụy là trẻ dễ có nguy cơ bị bệnh nặng hơn và không có thuốc để trị. 

Trớ trêu thay, nhiều cha mẹ có tâm lý lạm dụng kháng sinh như một cách để phòng bệnh bội nhiễm. Với thực trạng mua bán thuốc kháng sinh tự do như hiện nay, không khó để bắt gặp người mẹ tự ý mua thuốc vì lo sợ con bị viêm phế quản không điều trị kháng sinh gây ra viêm phổi. Đây chắc chắn là một lời đồn tai tiếng vô căn cứ!

Uống kháng sinh sớm không phòng được bội nhiễm mà còn làm rắc rối thêm việc điều trị sau này. Khi nào trẻ bị viêm phế quản mà có biến chứng viêm phổi do vi khuẩn, lúc đó mới điều trị kháng sinh. Tuy nhiên, theo thống kê tỷ lệ trẻ bị bội nhiễm không cao. Đó là lý vì sao cha mẹ không nên tự ý cho trẻ uống kháng sinh khi chưa có đơn của bác sĩ.

Trẻ bị viêm phế quản nên ăn gì?

“Ba ngày béo, bảy ngày gầy” có lẽ là tâm trạng chung của nhiều bà mẹ vì sốt ruột con ốm, chẳng ăn được gì nhiều. Lúc này cơ thể trẻ đang bệnh nên thường khá mệt, trẻ có biểu hiện chán ăn, ăn kém và rất dễ nôn trớ. Do đó, mẹ nên chia nhỏ các bữa ăn để đảm bảo đủ năng lượng cho con. 

Đối với trẻ bú mẹ, mẹ nên cho con bú ít một, mỗi lần cách nhau khoảng 2 giờ. Đối với trẻ lớn hơn, cha mẹ có thể cho con ăn 5 – 6 bữa/ ngày. Chú ý mẹ nên chuẩn bị các món ăn mềm, ở dạng lỏng, dễ nuốt như canh, cháo, súp sẽ giúp trẻ dễ ăn. Bổ sung thêm rau xanh và hoa quả tươi vốn chứa nhiều vitamin, khoáng chất như bông cải xanh, rau cải, cà rốt, bí ngô, dâu tây… cũng giúp trẻ tăng cường đề kháng và nhanh khỏi ốm hơn.

Thức ăn mềm, lỏng và nhiều rau quả giúp trẻ nhanh phục hồi sức khỏe

Khi nào cần đưa trẻ đi khám bác sĩ?

Mặc dù tỷ lệ trẻ mắc viêm phế quản do vi khuẩn là rất thấp nhưng vẫn có những trường hợp trẻ bị biến chứng nhanh. Do đó, cha mẹ cần theo dõi trẻ và đưa trẻ đi khám ngay đối với những trường hợp sau đây:

  • Đối với tất cả bệnh do nhiễm trùng (bất kể vi khuẩn hay virus) chỉ cần thấy trẻ rất mệt mỏi, lừ đừ thì cho đi khám ngay.
  • Những trẻ dưới 3 tháng tuổi bị sốt cũng cần được khám ngay để xác định nguyên nhân gây bệnh là gì. Lứa tuổi này trẻ chưa được chích ngừa đầy đủ nên có nguy cơ mắc các bệnh nghiêm trọng chẳng hạn như viêm màng não.

Đối với những trẻ lớn hơn, nếu trẻ bị viêm phế quản, sốt mà tổng trạng trẻ vẫn khỏe thì cha mẹ có thể cân nhắc theo dõi thêm tại nhà. Khi thấy trẻ có những bất kỳ triệu chứng tăng nặng nào thì cần đưa trẻ đi khám bác sĩ:

  • Trẻ ho không thuyên giảm sau hai tuần
  • Trẻ có biểu hiện thở mệt, thở khò khè, khó thở
  • Có máu trong dịch nhầy 

Hoặc nếu cha mẹ trẻ thấy lo lắng quá thì cũng có thể cho trẻ tái khám.

Đến đây, hy vọng các bậc cha mẹ đã có thêm những kiến thức hữu ích để trở thành “bác sĩ tại gia” cho con. Nếu có thắc mắc gì về việc điều trị viêm phế quản, hãy liên hệ trực tiếp với bác sĩ của con bạn để được tư vấn kịp thời.

Minh Tâm

Minh Tâm là cây viết chuyên nghiệp về sức khoẻ trẻ em. Tốt nghiệp chuyên ngành dược sỹ đại học, Tâm có may mắn tiếp cận và nghiên cứu với nguồn kiến thức khoa học về chăm sóc sức khoẻ, sử dụng thuốc sao cho đúng mỗi khi trẻ bị bệnh. Hi vọng thông qua các bài viết của mình, Tâm có thể chia sẻ những thông tin hữu ích đến các bậc phụ huynh, từ đó có thể giúp họ trở thành "bác sĩ tại gia" cho con.

Bài viết cùng chủ đề

1 Comment

Trả lời Chăm sóc trẻ viêm phế quản tại nhà sao cho đúng? - Minh Tâmm Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

error: Content is protected !!