Lúc nhìn thấy que thử thai hiện 2 vạch, chị đã khóc trong nhà vệ sinh và cảm thấy sắp ngất xỉu vì hoang mang. Đầu óc chị lùng bùng khi nhận ra từ giờ cuộc sống sẽ đảo lộn vì một em bé cùng hàng triệu sự lo lắng xuất hiện. Chị biết theo phản xạ người mẹ sẽ vô cùng vui mừng, nhưng với chị, đó chỉ là lý thuyết mà thôi.
Đây là tin nhắn mình nhận được từ một người chị. Có thể bạn nghĩ nhân vật này “ăn kem trước cổng” rồi cưới chạy bầu nên mới có cảm xúc trái ngược như vậy. Nhưng không, chị ấy đã lấy chồng một vài năm và chưa sẵn sàng có em bé.
Như bạn thấy, chính chị ấy cũng cảm thấy phản ứng của bản thân ngược đời và buồn cười. Vì dân gian thường nói “có con là có của”, nhất là khi hiếm muộn ngày càng phổ biến như hiện nay. Có thai đúng ra phải vui cười không khép được miệng, nay lại sợ hãi, khóc lóc là sao!
Dẫu vậy, mình hiểu được cảm xúc của chị ấy. Bạn đã bao giờ trải qua cảm xúc khó chịu khi đột nhiên một điều bất ngờ ập đến chưa? Những sự kiến ngoài kế hoạch ấy có khiến bạn cảm thấy lo lắng, sợ hãi vì đột ngột bị tức đoạt quyền kiểm soát không?
Khi cầm que thử thai hiện 2 vạch trên tay, bạn hoàn toàn có thể khóc thay vì cười, cảm thấy bầu trời sụp đổ hơn là bừng sáng. Phản ứng ấy không chứng minh bạn là người mẹ vô cảm, ích kỷ chỉ quan tâm tới cuộc sống của bản thân hay ghét bỏ đứa con của mình. Những cảm xúc đó chỉ thể hiện rằng bạn chưa sẵn sàng và chưa chuẩn bị đủ hành trang để bắt đầu bước đi trên con đường một chiều mang tên “làm mẹ” mà thôi.
Nội dung chính
Vì sao cần chuẩn bị trước khi mang thai?
Dù không chuẩn bị thì bạn vẫn có thể mang thai và trải qua thai kỳ bình thường giống như bao người. Tuy nhiên, sự chuẩn bị đầy đủ sẽ giúp bạn:
Mang thai trong tâm thế sẵn sàng
Bạn sẽ không cảm thấy sụp đổ khi nhìn thấy que thử thai hiện 2 vạch, không lo lắng về cơ thể gầy gò, xanh xao và cũng không trằn trọc tính toán về những khoản nợ, tiền lương hay công việc trong tương lai. Lê kế hoạch cho thai kỳ sẽ giúp cả hai vợ chồng chuẩn bị sẵn sàng về tinh thần, thể chất, tài chính và cuộc sống để đón chào em bé.

Đảm bảo thai nhi có điều kiện sức khỏe tốt nhất
Nếu chuẩn bị trước khi mang thai thì bạn đã tiêm phòng đầy đủ và bổ sung axit folic để giảm nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm cũng như dị tật bẩm sinh ở thai nhi. Ngoài ra, sức khỏe của vợ chồng cũng được cải thiện tốt hơn, khả năng thụ thai thành công cao hơn nếu có sự chuẩn bị từ trước.
Sẵn sàng đối phó với những sự kiện tiêu cực trước và trong thai kỳ
“Người ta chỉ cần chồng đi qua đầu giường cũng có bầu, sao con nhà mình thả mấy tháng rồi vẫn chưa thấy gì”. Khi đối mặt với câu hỏi này, thật khó để không cảm thấy căng thẳng và băn khoăn về sức khỏe sinh sản của bản thân. Nhưng càng stress, khả năng thụ thai thành công càng thấp. Đó là lý do bạn cần chuẩn bị tâm lý cho tình huống này.
Thậm chí, bạn cũng nên sẵn sàng đối mặt với việc sảy thai sớm trong 3 tháng đầu. Nghe có vẻ không đúng khi đang muốn mang thai mà lại nghĩ đến việc sảy thai. Tuy nhiên, biến cố đau buồn đó vẫn có thể xảy ra, dù hai bạn đang ở trong độ tuổi trẻ nhất, sung sức nhất. Khi ấy, bạn cần hiểu rằng bản thân không có lỗi và biết cách vượt qua nó.

Chúng ta chuẩn bị sách vở cho buổi học ngày mai, lên to-do list những việc cần làm hôm nay, vạch sẵn lịch trình đi chơi, thậm chí tính toán kế hoạch chuyển việc hay nghỉ hưu. Vậy cớ sao trước khi mang thai lại không chuẩn bị?
Cần chuẩn bị bao lâu trước khi “thả bầu”?
Thời gian lý tưởng nhất là 3 tháng. Vì sao lại lâu như vậy?
3 tháng là thời gian tối thiểu mà phái nữ nên uống axit folic trước khi mang thai. 3 tháng cũng là khoảng cách an toàn để chị em hoàn thành các mũi tiêm chủng cơ bản trước khi có em bé.
Không chỉ có ý nghĩa với phụ nữ, 3 tháng còn là thời gian chuẩn bị của phái mạnh: từ bỏ thuốc lá, hạn chế tối đa rượu bia và tránh xa các tác nhân có hại từ môi trường. Những yếu tố này gây suy giảm số lượng, chất lượng tinh trùng và 3 tháng là thời gian để nam giới tạo ra thế hệ tinh binh mới, khỏe hơn, chất lượng hơn.
Một người bạn của mình có bố làm bác sĩ chẩn đoán hình ảnh. Cậu kể rằng năm đó bố cậu xin đi học vài tháng để tránh xa bệnh viện, và cũng trong thời gian đó, bố mẹ cậu đã cố gắng thụ thai. “Tớ cảm thấy may mắn vì nhờ quyết định đó của bố mà tớ được sinh ra khỏe mạnh”. Mình từng phì cười khi nghe câu chuyện này nhưng giờ nghĩ lại, mình thấy nó thật sự hợp lý.

Cẩm nang chuẩn bị trước khi mang thai
Tài liệu ngắn gọn, dễ đọc
Thông tin đến từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) sẽ cho bạn cái nhìn tổng quan về những việc cần chuẩn bị khi quyết định có em bé.
Điểm cộng của Healthline là thiết kế sẵn cho bạn lộ trình 30 ngày chuẩn bị trước khi mang bầu. Dựa vào đây, bạn sẽ biết được mình cần làm gì, ở thời điểm nào.
Ngoài ra, bản tin Her Care của chúng mình cũng cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích bằng tiếng Việt. Nhờ đó, bạn có thể dễ dàng lên kế hoạch cho việc mang thai.
Hướng dẫn chi tiết, đầy đủ
Nếu muốn tìm hiểu chi tiết hơn về kế hoạch chuẩn bị mang thai và có khả năng đọc hiểu tiếng Anh tốt, bạn có thể tìm mua cuốn sách Before Your Pregnancy trên Amazon.
Chúng mình cũng sắp ra mắt khóa học Sẵn sàng mang thai dành cho các cặp vợ chồng lần đầu có em bé. Khóa học này sẽ giúp hai bạn chuẩn bị sức khỏe thể chất và tâm lý để sẵn sàng đón chào tin vui. Ngoài ra, không thể thiếu các vấn đề quan trọng nhưng thường bị bỏ qua như chuẩn bị tài chính, sắp xếp công việc, cuộc sống gia đình và bảo hiểm. Nếu bạn quan tâm, hãy nhấn nút đăng ký để nhận được ưu đãi cũng như thông tin sớm nhất về khóa học nhé!