Cúm trong thai kỳ có nguy hiểm không?

Mùa đông, khi trời lạnh chúng ta dễ bị ốm vì nhiều loại virus sống tốt ở nhiệt độ này, trong đó có virus cúm. Chúng xuất hiện ở nhiều nơi, đặc biệt có mật độ cao ở những nơi đông người, không gian hẹp như nơi làm việc, trường học, phương tiện công cộng, trong các bữa tiệc… Do đó, mẹ bầu cũng rất dễ mắc cúm. Bài viết này sẽ giúp bạn tìm hiểu thêm về căn bệnh này trong thai kỳ để từ đó chăm sóc bản thân một cách chủ động, tránh mắc bệnh ngoài ý muốn.

Nội dung chính

Cúm trong thai kỳ có nguy hiểm không?

Cúm là gì?

Cúm là một bệnh truyền nhiễm phổ biến liên quan đến hệ hô hấp, thường diễn ra trong mùa đông, khi thời tiết lạnh. Bệnh này được gây ra bởi các loại virus cúm khác nhau (thường có kí hiệu HN như H1N1, H2N3, H5N1…). Các virus này dễ lây truyền từ người sang người thông qua tiếp xúc, khi bạn chạm phải đồ vật chứa virus cúm hay hít phải virus có trong không khí.

Bệnh cúm có khả năng truyền nhiễm vào thời điểm 1 ngày trước khi các triệu chứng xuất hiện và 5 – 7 ngày sau khi bạn bị ốm. Điều này đồng nghĩa với việc một người có thể truyền cúm sang cho người khác ngay cả trước khi người đó biết là mình bị cúm. 

Các triệu chứng của bệnh cúm

Các virus cúm tác động lên phổi, mũi, họng và gây ra các triệu chứng tương tự như cảm lạnh. Các triệu chứng thường gặp như:

  • Sốt từ trung bình đến cao;
  • Ho khan, đau họng;
  • Sổ mũi hoặc tịt mũi;
  • Đau đầu;
  • Đau mỏi cơ;
  • Mệt mỏi;
  • Nôn, tiêu chảy;
  • Kém ngon miệng (ăn uống thấy nhạt miệng).

Cúm gây nguy hại thế nào đến thai kỳ?

Do hệ thống miễn dịch phải làm việc vất vả hơn trong thai kỳ nên phụ nữ có thai có nguy cơ cao mắc cúm hơn so với những phụ nữ khác. Cúm trong thai kỳ cũng có xu hướng gây ra tình trạng nặng hơn so với cúm ở những phụ nữ không mang thai, kể cả khi bạn khỏe mạnh và thai kỳ diễn ra bình thường. Các tình trạng nặng thường gặp là viêm phổi, viêm tim và các cơ quan khác bị tổn thương, viêm tai… Mẹ bầu mắc cúm thường cần phải nhập viện để điều trị. 

Đối với em bé, việc mắc cúm khi mang thai có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Sốt cao có thể gây ra dị tật ống thần kinh và các vấn đề khác cho em bé trong bụng. Ngoài ra, một số nghiên cứu cũng chỉ ra rằng cúm trong thai kỳ làm tăng nguy cơ sảy thai, thai lưu, sinh non, trẻ sinh nhẹ cân.

Mẹ bầu nên làm gì khi bị cúm?

Điều đầu tiên, mẹ bầu cần làm khi có biểu hiện cúm là phải thật bình tĩnh, sau đó gọi điện cho bác sĩ để xin tư vấn. Cúm đúng là nguy hiểm cho thai kỳ nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc nếu mẹ mắc cúm thì em bé trong bụng sẽ bị sao đó. Vì vậy, bạn không cần phải lo lắng quá độ nếu chẳng may bị cúm khi mang thai.

Khi gọi điện cho bác sĩ, một số có thể yêu cầu bạn làm xét nghiệm, một số thì không, nhưng thông thường, bác sĩ cũng sẽ không chờ kết quả xét nghiệm để đưa ra hướng dẫn điều trị mà sẽ thực hiện ngay khi bạn có các triệu chứng đầu tiên. Bác sĩ thường kê cho mẹ bầu thuốc kháng virus loại an toàn cho phụ nữ có thai (như Tamiflu). Các thuốc này có hiệu quả điều trị tốt nhất khi sử dụng trong vòng 2 ngày kể từ khi phát bệnh nhưng vẫn có nhiều lợi ích dù bắt đầu muộn hơn, đặc biệt với các bệnh nhân thuộc nhóm rủi ro cao như phụ nữ mang thai. Do đó, mẹ bầu mắc cúm cần liên hệ với bác sĩ càng sớm càng tốt để được điều trị kịp thời.

Ngoài việc kê thuốc, bác sĩ cũng thường cho phép mẹ bầu điều trị tại nhà nếu các triệu chứng không quá nặng. Khi ở nhà, bạn cần nghỉ ngơi thật nhiều, ngủ đủ giấc, uống nhiều nước và giữ ấm cơ thể. Bên cạnh đó, mẹ bầu cũng cần lưu ý thêm vài điểm sau:

  • Paracetamol (hay có tên khác là Acetaminophen) tương đối an toàn trong mọi giai đoạn của thai kỳ, nên nếu sốt, bạn có thể uống loại thuốc này. Không dùng Ibuprofen hay các thuốc chống viêm không chứa steroid để hạ sốt.
  • Khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào khác để trị ho, chống sổ mũi, ngạt mũi, dù qua đường uống hay dạng xịt, dạng phối hợp với paracetamol, mẹ bầu đều cần hỏi ý kiến của dược sĩ, bác sĩ trước khi sử dụng vì một số loại chống chỉ định cho phụ nữ mang thai.

Thông thường, các triệu chứng của bệnh cúm sẽ kéo dài khoảng 1 tuần. Nếu sau một tuần tình trạng của bạn không đỡ hơn hoặc rơi vào các trường hợp như như dưới đây, đừng ngần ngại gọi cho bác sĩ hoặc đến thẳng bệnh viện để được thăm khám và điều trị:

  • Cử động của em bé giảm hoặc không có;
  • Quá mệt đến mức không thể dậy nổi, suy giảm nhận thức;
  • Cảm thấy cơ thể quá yếu ớt, bị lả đi;
  • Sốt cao không ngừng ngay cả khi đã uống paracetamol;
  • Ho trở nên trầm trọng;
  • Không đi tiểu trong thời gian dài;
  • Tức ngực, khó thở;
  • Đau vùng bụng;
  • Đau mỏi cơ ngày càng trầm trọng.

Những cách phòng cúm trong thai kỳ

Vì cúm là bệnh tương đối nguy hiểm đối với mẹ bầu và thai nhi, việc phòng cúm là cần thiết để căn bệnh này không xảy đến với bạn. Một số cách ngăn ngừa cúm được liệt kê dưới đây.

Tiêm vắc-xin phòng cúm

Đây là cách hiệu quả nhất để bảo vệ mẹ bầu khỏi mắc cúm hoặc giảm nhẹ rủi ro khi mắc cúm trong thai kỳ. Các nghiên cứu cho thấy tiêm vaccin cúm giúp giảm 50% nguy cơ mắc cúm ở phụ nữ mang thai và giảm 40% nguy cơ nhập viện ở mẹ bầu khi bị cúm.

Các vaccine cúm được chứng minh là an toàn cho phụ nữ có thai, không gây hại gì cho em bé trong bụng. Trái lại, mẹ bầu tiêm vaccine cúm lúc mang thai có thể truyền các kháng thể chống cúm sang cho em bé thông qua nhau thai hoặc cung cấp các kháng thể tương tự sau sinh qua sữa mẹ, tăng khả năng bảo vệ trẻ khỏi bệnh cúm.

Tốt nhất là bạn nên tiêm vaccine cúm ngay khi có kế hoạch mang thai. Tuy nhiên, do virus cúm biến đổi nhanh nên việc tiêm nhắc lại hàng năm là cần thiết để duy trì khả năng bảo vệ của loại vaccine này.

Vaccine cúm cũng tương tự như các loại thuốc khác, có một số tác dụng phụ như sưng đau ở chỗ tiêm, đau đầu, đau cơ, sốt nhẹ, buồn nôn. Các triệu chứng này thường xuất hiện khi tiêm và sẽ sớm qua đi sau khoảng 2 – 3 ngày nên bạn cũng không cần quá lo lắng.

Hạn chế tiếp xúc với người bệnh

Mẹ bầu nên hạn chế đến những nơi đông người vì virus cúm rất dễ lây trong không gian hẹp, có thể truyền từ người này sang người khác ngay cả trước khi người bệnh có triệu chứng đầu tiên. Nếu phải đên những nơi công cộng, mẹ bầu nên đeo khẩu trang, vệ sinh tay thường xuyên để tránh nhiễm bệnh.

Nếu vô tình gặp người bệnh, bạn nên giữ khoảng cách ít nhất 2m, hạn chế tiếp xúc trực tiếp.

Vệ sinh sạch sẽ

Virus cúm dễ lây qua tiếp xúc, thông qua dịch sinh học từ mũi, miệng nên bạn có thể nhiễm phải khi tay chạm vào các bề mặt có chứa virus sau đó đưa lên mắt, mũi, miệng. Vì vậy, việc rửa tay thường xuyên bằng xà phòng là cần thiết.

Ngoài vệ sinh cá nhân, bạn cũng nên giữ nhà cửa và phòng làm việc thông thoáng sạch sẽ. Nên mở cửa sổ thường xuyên để lưu thông khí trong phòng.

Tăng cường sức đề kháng thông qua ăn uống, vận động, nghỉ ngơi

Chế độ ăn uống và bổ sung vitamin

Một chế độ ăn uống cân bằng và lành mạnh là cần thiết đối với phụ nữ mang thai để phát huy tối đa khả năng miễn dịch. Chế độ ăn uống này hướng đến 3 nguyên tắc: đa dạng, cân bằng và gần với thiên nhiên với mục đích cung cấp cho cơ thể các loại vitamin và khoáng chất cần thiết để duy trì hệ thống miễn dịch như: kẽm, sắt, vitamine C, vitamine D. Nếu bạn sống ở nơi ít ánh nắng mặt trời vào mùa đông, việc bổ sung vitamine D đường uống trong những tháng thai kỳ là cần thiết để tăng cường sức đề kháng.

Mẹ bầu cũng cần uống đủ nước vì khi cơ thể bị mất nước, hệ thống miễn dịch sẽ gặp khó khăn để duy trì hoạt động. Việc uống nước cần trở thành một thói quen, diễn ra thường xuyên và đều đặn, không cần chờ đến khi khát mới uống.

Vận động

Tập thể dục thể thao giúp cải thiện hệ thống miễn dịch. Trong thai kỳ, việc tập thể dục cho phép cơ thể bạn vận động, giúp cải thiện tâm trạng và lưu thông máu. Bạn nên chọn các bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, yoga, bơi lội… Với cường độ phù hợp, các bài tập này sẽ không gây nguy hại gì cho em bé trong bụng cả.

Nghỉ ngơi

Thiếu ngủ ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch nên việc có một giấc ngủ ngon, ngủ đủ giấc là cần thiết. Khi có thai, sẽ rất khó để bạn có thể ngủ trọn vẹn 8 tiếng, đặc biệt trong những tháng cuối của thai kỳ. Vi thế, bạn có thể tranh thủ nghỉ ngơi, thư giãn nhiều hơn vào ban ngày, khi có thể để cơ thể không bị mệt mỏi.

Trên đây là những thông tin cơ bản liên quan đến bệnh cúm. Hy vọng với những lời khuyên của tôi, bạn sẽ vượt qua căn bệnh thường gặp này để có một thai kỳ khỏe mạnh và bình yên.

Tài liệu tham khảo:

  1. https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/23104-flu-while-pregnant
  2. https://www.pregnancybirthbaby.org.au/cold-and-flu-during-pregnancy
  3. https://www.health.nsw.gov.au/Infectious/Influenza/Pages/influenza_and_pregnancy.aspx
  4. https://medlineplus.gov/ency/article/007443.htm
  5. https://americanpregnancy.org/healthy-pregnancy/pregnancy-health-wellness/flu-during-pregnancy/
  6. https://www.cdc.gov/vaccines/pregnancy/hcp-toolkit/flu-vaccine-pregnancy.html
  7. https://www.nct.org.uk/pregnancy/worries-and-discomforts/symptoms-watch-out-for/flu-and-pregnancy

Bài viết cùng chủ đề

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

error: Content is protected !!