10 giải pháp hiệu quả để hạn chế trẻ ăn đồ ngọt

hạn chế trẻ ăn đồ ngọt như thế nào

Bim bim, bánh kẹo, kem, nước có ga… là những món ăn ngọt ngào, hấp dẫn với tất cả trẻ em nhưng lại không có lợi cho sức khỏe. Bạn biết điều đó nhưng không làm sao ngăn được sự vòi vĩnh của con trước một gói bim bim. Hoặc bạn cực kỳ bế tắc khi muốn con ăn ít bánh kẹo nhưng đồ ngọt luôn bủa vây xung quanh. Đừng lo, dưới đây là 10 giải pháp cực kỳ hữu ích dành cho bạn. Những biện pháp này không chỉ giúp bạn hạn chế trẻ ăn đồ ngọt mà còn dễ dàng ứng phó với những cơn ăn vạ của con.

Nội dung chính

Lạt mềm buộc chặt

Trước tiên, bạn cần hiểu rằng không thể cấm đoán triệt để trẻ không được ăn đồ ngọt. Bởi lẽ bánh kẹo, kem, bim bim, nước ngọt hiện diện mọi lúc, mọi nơi, từ những hàng quán đầy màu sắc xung quanh cổng trường tới hàng loạt quảng cáo vui nhộn trên tivi. Tất cả đều thu hút sự chú ý, tò mò và cảm giác thèm ăn của trẻ.

Hơn nữa, nếu cấm đoán quá mạnh mẽ, biện pháp này có thể phản tác dụng. Trẻ sẽ bướng bỉnh, vòi vĩnh và ăn vạ dữ dội hơn hoặc lén lút tự mua đồ ăn cho mình. Do đó, thay vì ngăn cấm trẻ tiếp xúc với đồ ngọt, bạn hãy nhẹ nhàng, kiên nhẫn và sử dụng phương pháp “lạt mềm buộc chặt” nhé!

Chế biến bữa phụ lành mạnh cho trẻ

Ngay từ giai đoạn bắt đầu ăn dặm, bạn hãy cho trẻ làm quen với những bữa phụ lành mạnh. Đó là sữa, sữa chua, hoa quả, ngũ cốc… Bạn có thể cho trẻ ăn sữa chua trộn với hoa quả, các loại sinh tố, ngũ cốc và sữa.

Nếu vẫn muốn sử dụng các loại bánh để làm bữa phụ cho trẻ, bạn hãy tự chế biến tại nhà, đừng mua sẵn bánh kẹo trong siêu thị. Bánh quy yến mạch cà rốt, pancake dâu tây mật ong, bánh chuối nướng hoặc kem hoa quả đều là những món ăn bổ dưỡng và hấp dẫn trẻ em. Khi nướng bánh tại nhà, bạn có thể gia giảm lượng đường, muối đồng thời sử dụng nguyên liệu tươi ngon và tốt cho sức khỏe.

hạn chế đường bằng cách tự làm bánh cho trẻ
Hạn chế trẻ ăn đồ ngọt bằng cách tự chế biến bữa phụ lành mạnh cho trẻ

Không để trẻ quá đói

Khi bụng sôi òng ọc, tất cả chúng ta đều có xu hướng tìm kiếm những món ăn cung cấp năng lượng thật nhanh để lấp đầy dạ dày và thỏa mãn cơn đói. Bánh kẹo, bim bim, đồ ăn vặt chính là những món ăn như thế.

Vì vậy, để giảm thiểu cơ hội trẻ tiếp cận với đồ ngọt, bạn nên sắp xếp bữa ăn và khẩu phần ăn của trẻ phù hợp. Cho trẻ ăn vừa phải trong mỗi bữa, không quá no và cũng không quá đói. Tùy theo lứa tuổi mà bạn cho trẻ ăn 4 – 6 bữa/ ngày, bao gồm cả bữa chính và bữa phụ. Khoảng cách hai bữa ăn liền nhau là 3 – 4 tiếng. Có như vậy, trẻ mới có đủ năng lượng để hoạt động và không bị hấp dẫn bởi các món ăn ngọt ngào xung quanh.

Đừng sử dụng bánh kẹo là phần thưởng cho trẻ

Sở dĩ bánh kẹo thường được sử dụng làm phần thưởng cho trẻ vì dễ mua, không quá đắt và được nhiều bé yêu thích. Nhưng nếu nhìn sâu vào giá trị của một món quà, bạn sẽ nhận ra bánh kẹo không phải quà tặng phù hợp và có lợi cho trẻ. Vì thế, người lớn chúng ta cần xóa bỏ quan điểm dùng bánh kẹo làm quà tặng và phần thưởng cho trẻ em.

Vậy nếu không dùng bánh kẹo thì bố mẹ nên khen thưởng trẻ bằng cách nào? Thứ gì vừa khiến trẻ vui thích vừa tốt cho trẻ lại dễ kiếm và không mang nặng giá trị vật chất? Bạn còn nhớ phiếu bé ngoan hồi mẫu giáo không? Rõ ràng chỉ là một tờ giấy màu sắc mà sao vẫn khiến trẻ vui thích và hãnh diện như vậy? Đó là bởi phiếu bé ngoan chính là lời khen thưởng và công nhận thành tích của trẻ. Đôi khi, phần thường to lớn nhất mà trẻ muốn chỉ đơn giản là một lời khen và sự công nhận của bố mẹ. Do đó, thay vì tặng trẻ một món quà giá trị, bạn chỉ cần khen ngợi và động viên trẻ. Ví dụ: “Wow, con trai của mẹ hôm nay dọn đồ chơi gọn gàng ghê. Mẹ biết là con làm được mà. Quá xuất sắc luôn!”. 

Một cách khác, bạn có thể bắt chước hình thức phiếu bé ngoan. Hãy sử dụng những hình dán ngôi sao, bông hoa để công nhận “thành tích” của con. Rồi sau đó, khi gom đủ 10 ngôi sao hoặc bông hoa, con sẽ nhận được một món quà có giá trị như cuốn sách, món đồ chơi yêu thích.

không sử dụng bánh kẹo là phần thưởng cho trẻ
Bánh kẹo, bim bim không phải phần thưởng phù hợp với trẻ em

Thống nhất quan điểm với các thành viên trong gia đình

Tình huống bố mẹ nghiêm khắc không cho con ăn đồ ngọt mà ông bà vẫn thường xuyên nuông chiều và mua quà bánh cho trẻ không khó để nhận thấy ở Việt Nam. Sự việc “tiếp tay cho giặc” này vừa khiến trẻ nghiện đồ ngọt vừa gây khó xử và sứt mẻ tình cảm gia đình.

Để phòng tránh và khắc phục vấn đề này, bạn cần truyền đạt và giải thích sự nguy hiểm của đồ ngọt với sức khỏe trẻ em cho các thành viên trong gia đình. Bạn có thể chỉ cho các thành viên trong gia đình cách khen thưởng trẻ bằng ngôi sao hoặc bông hoa. Bên cạnh đó, nên hướng dẫn ông bà, cô chú hoặc người chăm sóc trẻ cách chế biến, hâm nóng bữa phụ mà bạn đã chuẩn bị sẵn, chứ đừng mua đồ ăn vặt bên ngoài. Chỉ khi cả gia đình đồng lòng, kẻ thù mang tên đồ ngọt mới bị tiêu diệt triệt để.

Hạn chế mua và tích trữ đồ ngọt trong nhà

Sử dụng bánh kẹo làm đồ thắp hương, mua nhiều bánh kẹo để bày biện vào lễ tết, ngày rằm, mùng 1 hàng tháng là truyền thống của nhiều gia đình Việt Nam. Tuy nhiên, thói quen này đã tạo điều kiện cho trẻ tiếp xúc từ sớm và thường xuyên với đồ ngọt. Những món ăn với giấy gói sặc sỡ, được trang trí hút mắt lại được bày biện ở vị trí dễ thấy chắc chắn sẽ khơi gợi trí tò mò và cảm giác thèm ăn của trẻ.

Do đó, thay vì mua bánh kẹo để thắp hương và bày biện, bạn hãy ưu tiên chọn mua hoa quả. Cách này vừa giúp trẻ hạn chế ăn đồ ngọt, vừa tăng cường thêm vitamin và khoáng chất cho cả gia đình.

hạn chế trẻ ăn đồ ngọt bằng cách mua hoa quả thắp hương
Mua hoa quả thắp hương và bày biện trong dịp lễ tết là một biện pháp để hạn chế trẻ ăn đồ ngọt

Giấu bánh kẹo ở vị trí kín đáo

Mặc dù đã hạn chế mua đồ ngọt nhưng vẫn sẽ có lúc bánh kẹo, bim bim, nước ngọt xuất hiện trong ngôi nhà của bạn. Lúc này, bạn hãy âm thầm giấu những chiếc hộp bánh, gói kẹo màu sắc ở vị trị kín đáo. Ví dụ như trong tủ có cửa đóng kín, trên kệ cao khuất khỏi tầm mắt của trẻ. Cách này sẽ hạn chế trẻ nhìn thấy và giảm bớt tần suất thèm ăn cũng như vòi vĩnh của trẻ.

Phân tán sự chú ý của trẻ

Vậy nếu chẳng may trẻ phát hiện ra gói bánh bạn đã giấu hoặc trẻ nằng nặc đòi mua que kem trong siêu thị thì sao? Đánh lạc hướng chính là biện pháp hiệu quả để bạn đối phó với sự vòi vĩnh và ăn vạ của trẻ dưới 4 tuổi. Khả năng tập trung của trẻ dưới 4 tuổi thường kém. Trẻ dễ bị phân tán sự chú ý khi xuất hiện các kích thích mới. Vì thế, bạn hãy tận dụng đặc điểm này để đánh lạc hướng trẻ khỏi đồ ngọt nhé!

Ví dụ, khi trẻ phát hiện ra chiếc bánh Chocopie thơm ngon hoặc chai Coca mát lạnh trong hộc tủ, trẻ sẽ ngay lập tức vòi vĩnh bố mẹ. Lúc này, bạn hãy nhanh chóng bế trẻ ra khỏi vị trí đó rồi đưa cho trẻ đồ vật mà trẻ thích hoặc có màu sắc sặc sỡ để phân tán sự chú ý của trẻ. Ví dụ như cuốn sách trẻ thường đọc, món đồ chơi yêu thích hoặc bát sữa chua hoa quả nhiều màu sắc… Bạn cũng có thể rủ trẻ đi tắm, đi chơi để đánh lạc hướng trẻ khỏi bánh kẹo.

Bạn hãy thử đi, mẹo này cực kỳ hữu ích với trẻ dưới 4 tuổi đó. Tuy nhiên, bạn đừng sử dụng điện thoại hay tivi để phân tán sự chú ý của trẻ. Bởi cho trẻ nghịch điện thoại, ipad hoặc xem phim hoạt hình trên tivi, máy tính cũng nguy hiểm chẳng khác gì đồ ngọt.

đánh lạc hướng để đối phó với cơn ăn vạ của trẻ
Với bé dưới 4 tuổi, bạn có thể đánh lạc hướng để xử lý cơn ăn vạ và vòi vĩnh đồ ngọt của trẻ

Trò chuyện và giải thích cho trẻ

Với trẻ trên 4 tuổi, phương pháp đánh lạc hướng không còn hiệu quả nữa vì khả năng tập trung của trẻ đã tốt hơn. Tuy nhiên, trẻ trong độ tuổi này thường tò mò, hay đặt câu hỏi và có khả năng tư duy nhất định. Vì vậy, cách tốt nhất để bạn hạn chế đồ ngọt ở nhóm trẻ trên 4 tuổi là trò chuyện và giải thích đơn giản cho trẻ.

Bạn có thể giải thích lý do vì sao không nên ăn nhiều đồ ngọt, quy định con có thể ăn bánh kẹo lúc nào và chỉ nên ăn bao nhiêu. Lưu ý, khi trò chuyện với trẻ, bố mẹ nên sử dụng từ ngữ đơn giản, trực quan và gắn kết với những câu chuyện, cuốn sách, bộ phim mà trẻ biết. Ví dụ: “Ăn nhiều kẹo này là con sẽ bị đau răng giống bạn Teddy trong cuốn truyện “Gấu con bị sâu răng” đấy. Khi đau răng, con không ăn được quả dây tây mà con thích vì mỗi lần cắn đều đau lắm. Con cũng phải đến gặp bác sĩ giống như bạn Teddy này. Rồi không được tới lớp để chơi với bạn Lan và gặp cô Thủy nữa. Thế thì buồn lắm con nhỉ?”.

Cho trẻ quản lý bánh kẹo của mình

Thêm một phương pháp rất hay từ các chuyên gia dinh dưỡng của Đức mà bạn có thể áp dụng với trẻ. Đó là cho trẻ tự làm chủ và quyết định “chi tiêu” kho bánh kẹo của mình. Cách này rất đơn giản, bạn chỉ cần đặt tất cả bánh kẹo vào một chiếc hộp rồi đưa trẻ giữ. Bạn quy định với trẻ rằng số bánh kẹo trong hộp là lượng đồ ngọt trẻ có thể ăn trong một tuần. Trẻ ăn món nào cũng được, tùy ý ăn bao nhiêu cái mỗi ngày nhưng nếu hết sẽ không có thêm. Chỉ khi sang tuần tiếp theo, trẻ mới có hộp bánh kẹo mới.

Biện pháp này thoạt nghe có vẻ mâu thuẫn nhưng thực sự rất hiệu quả, đặc biệt với lứa tuổi mẫu giáo. Trẻ trong độ tuổi này thường bắt đầu xây dựng cái tôi cá nhân và thích được người lớn công nhận. Bạn có thể dễ dàng nhận ra điều này khi trẻ đòi tự mặc quần áo, tự sắp xếp ba lô đi học hoặc yêu cầu bố mẹ giao nhiệm vụ cho trẻ như rửa rau, quét nhà… Vì thế, bạn hãy tận dụng đặc điểm tính cách này và cho trẻ tự quản lý, tự quyết định kho báu bánh kẹo của mình. Qua đó, trẻ không chỉ biết cách tự kiểm soát lượng đồ ngọt tiêu thụ hàng tuần mà còn rèn luyện được tính tự giác và độc lập.

Tuy nhiên, bạn không được bỏ thêm bánh kẹo vào hộp cho trẻ. Có như vậy, trẻ mới nghiêm túc tham gia trò chơi, không vòi vĩnh, xin thêm và phương pháp này mới phát huy tác dụng.

hạn chế trẻ ăn đồ ngọt bằng cách nào
Cho con tự quản lý bánh kẹo của mình là biện pháp hiệu quả để hạn chế trẻ ăn đồ ngọt

Đồ ngọt thực sự là món ăn hấp dẫn với trẻ em. Chắc chắn trong thời thơ ấu, bạn cũng không thể phớt lờ một chiếc bánh Chocopie ngon lành hoặc một cây kẹo mút nhiều màu sắc đúng không? Con trẻ ngày nay cũng vậy. Thay vì cấm đoán, ngăn cản con không được ăn, bạn hãy khéo léo áp dụng 10 biện pháp trên đây. Chắc chắn đồ ngọt sẽ không còn là đối thủ đáng gờm của các bậc phụ huynh nữa.

Hạnh Trang

Hạnh Trang tốt nghiệp chuyên ngành Bác sĩ Đa khoa và hiện đang là cây viết chuyên nghiệp trong lĩnh vực Sức khỏe Phụ nữ - Trẻ em. Ba giá trị mà cô luôn đề cao trong các bài viết của mình là: tin cậy, gần gũi và hữu ích.

Bài viết cùng chủ đề

2 Comments

Trả lời Vì sao con ăn nhiều mà không tăng cân? - Sổ tay làm mẹ Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

error: Content is protected !!