Hầu hết các bậc phụ huynh đều biết vitamin D có vai trò phòng chống còi xương và cần bổ sung vitamin D cho trẻ ngay từ sau khi sinh. Tuy nhiên, chắc chắn bạn chưa biết hết hoặc thậm chí còn hiểu sai về vi chất này. Hôm nay, hãy cùng mình vén tấm màn bí ẩn đó nhé!
Nội dung chính
Vitamin D không chỉ giúp phòng chống còi xương
Hầu hết các bậc phụ huynh đều biết tác dụng phòng chống còi xương của vitamin D. Nhưng thật ra vi chất này có vai trò tuyệt vời hơn thế.
Vitamin D kích thích hoạt động của các tế bào lympho T, B, giúp tăng cường sức đề kháng. Trẻ còi xương dễ mắc các bệnh lý nhiễm khuẩn như viêm tai giữa, viêm phế quản, viêm phổi… Một nghiên cứu tại Nhật Bản đã chứng minh trẻ được bổ sung đủ vitamin D có nguy cơ nhiễm cúm thấp hơn 45%. Và ngay cả khi bị nhiễm khuẩn đường hô hấp, trẻ có đủ vitamin D cũng nhanh khỏi bệnh hơn 2 lần so với trẻ thiếu vi chất này.
Bên cạnh đó, vitamin D còn có tác dụng bảo vệ trẻ khỏi các bệnh lý tự miễn. Những đứa trẻ thiếu vitamin D ngay từ trong bụng mẹ có nguy cơ mắc đái tháo đường type 1 cao hơn trẻ khỏe mạnh. Mối liên quan giữa thiếu vitamin D và các bệnh lý tự miễn như đái tháo đường type 1, lupus ban đỏ hệ thống, viêm khớp tự miễn, xơ cứng bì đã được nhiều nhà khoa học khẳng định.
Bổ sung đầy đủ vitamin D ngay từ khi còn nhỏ giúp phòng ngừa bệnh lý tăng huyết áp trong tương lai. Ở người lớn, vitamin D cũng đang được các bác sĩ cân nhắc là sản phẩm hỗ trợ điều trị tăng huyết áp.
Vitamin D giúp phòng tránh ung thư.Một số báo cáo cho rằng cơ thể có đủ vitamin D sẽ hạn chế được 25 – 50% nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng. Trẻ gái trong độ tuổi thanh thiếu niên được bổ sung đủ vi chất này có nguy cơ mắc ung thư vú trong tương lai thấp hơn 70%. Một thử nghiệm của Ủy ban Phòng chống Ung thư Hoa Kỳ gần đây khẳng định: sử dụng đều đặn vitamin D không làm giảm nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng nhưng giảm 25% nguy cơ tử vong do căn bệnh ác tính này.
Vai trò của vitamin D vẫn đang được các nhà khoa học tiếp tục tìm hiểu. Tuy nhiên, điều chắc chắc là vi chất này không chỉ có tác dụng phát triển xương khớp, phòng tránh còi xương mà còn có vai trò quan trọng với nhiều cơ quan và phòng ngừa bệnh tật trong tương lai.

Cần bổ sung vitamin D cho trẻ em ở mọi độ tuổi
Hầu hết bố mẹ nghĩ rằng chỉ cần bổ sung vitamin D cho trẻ nhỏ . Nhưng thật ra mọi lứa tuổi đều có nguy cơ thiếu và cần cung cấp đủ vi chất dinh dưỡng này. Theo số liệu của Viện Dinh dưỡng Quốc gia năm 2010 trên 19 tỉnh thành, tỉ lệ thiếu vitamin ở trẻ 1 – 3 tuổi sống tại thành phố là 62,1% và trẻ em nông thôn là 53,7%. Nhưng điều bất ngờ là tỉ lệ thiếu vitamin D ở trẻ lớn và người trưởng thành không hề kém cạnh. Một nghiên cứu tại Hàn Quốc trên 330 trẻ trong độ tuổi 6 – 12 phát hiện tỉ lệ thiếu vitamin D là 59,1%. Tỉ lệ thiếu vitamin D ở người lớn tại Hoa Kỳ được báo cáo là 41,6%.
Theo khuyến cáo của Hiệp hội Chăm sóc Sức khỏe và Xã hội Hoa Kỳ, trẻ em từ 1 – 4 tuổi nên được uống vitamin D hàng ngày. Với trẻ trên 4 tuổi và người lớn, vitamin D được cung cấp từ thức ăn và do cơ thể tự tổng hợp khi tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời. Tuy nhiên, vào mùa đông, khi ánh sáng mặt trời không đủ, có thể bổ sung vitamin D cho trẻ bằng đường uống.

Vitamin D không chỉ có trong sữa
Vitamin D trong thực phẩm có 2 dạng: vitamin D2 (ergocalciferol) và vitamin D3 (cholecalciferol). Cả 2 dạng này đều có vai trò như nhau và mọi lứa tuổi đều có thể sử dụng. Điểm khác nhau giữa vitamin D2 và D3 trong thực phẩm là nguồn gốc của chúng. Vitamin D2 thường có nguồn gốc từ thực vật như nấm, ngũ cốc. Trong khi đó, vitamin D3 thường có mặt trong sữa, gan, lòng đỏ trứng, bơ, dầu cá, cá thu, cá hồi tức là các sản phẩm có nguồn gốc động vật. Như vậy, không chỉ có sữa mới chứa nhiều vitamin D. Bạn có thể bổ sung nấm, bơ, gan, ngũ cốc, dầu cá và các loại cá vào chế độ ăn để vừa nhận đủ vi chất vừa ăn ngon miệng hơn.

Không có triệu chứng chẩn đoán thiếu vitamin D
Rất nhiều các bậc phụ huynh truyền tai nhau dấu hiệu trẻ thiếu vitamin D là giật mình, vã mồ hôi trộm, rụng tóc vành khăn… Nhưng nền y học hiện đại trên thế giới không đề xuất bất kỳ dấu hiệu lâm sàng nào để chẩn đoán thiếu vitamin D. Cách duy nhất để phát hiện thiếu vitamin D là xét nghiệm máu.
Trẻ nhỏ có hệ thần kinh chưa hoàn thiện và rất nhạy cảm với các kích thích. Đó là lý do trẻ thường có biểu hiện giật mình chứ không chỉ riêng những trẻ thiếu vitamin D. Vã mồ hôi và rụng tóc vành khăn có thể xảy ra khi trẻ nóng. Hệ thống điều hòa thân nhiệt ở trẻ nhỏ chưa tốt. Trẻ dễ bị nóng hoặc lạnh theo nhiệt độ môi trường. Bố mẹ lại có tâm lý sợ trẻ bị lạnh nên thường ủ ấm trẻ quá kỹ bằng cách quấn khăn và đắp chăn dày. Khi bị nóng, trẻ sẽ đổ mồ hôi và cựa quậy nhiều. Khi trẻ cựa quậy, vùng tóc phía sau đầu chà xát nhiều vào gối nên dễ rụng hơn.

Tắm nắng không giúp cơ thể sản xuất đủ vitamin D
Hẳn bạn đã biết cơ thể có thể tự sản xuất vitamin D khi tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời, cụ thể là tia UVB. Và chắc hẳn bạn cũng đã rất quen thuộc với lời khuyên cho trẻ tắm nắng lúc 8h sáng vì đó là thời điểm ánh nắng tốt nhất. Nhưng thực tế không phải như vậy.
Sự tổng hợp vitamin D từ ánh nắng mặt trời phụ thuộc vào nhiều yếu tố:
- Mùa trong năm: mùa đông ánh nắng kém hơn mùa hè.
- Thời gian trong ngày: tia UVB mạnh nhất vào buổi trưa chứ không phải sáng sớm.
- Vĩ độ: càng xa xích đạo càng ít nhận được ánh sáng mặt trời.
- Độ cao, ô nhiễm không khí cũng ảnh hưởng tới khả năng tổng hợp của da.
- Sắc tố da: khả năng tổng hợp vitamin D của da sậm màu kém hơn da trắng.
- Có sử dụng kem chống nắng hay không: kem chống nắng ngăn cản tia UVB.
- Ánh nắng trực tiếp hay xuyên qua cửa kính: UVB không xuyên được qua cửa kính.
- Độ tuổi của da: da lão hóa giảm khả năng tổng hợp vitamin D, da trẻ nhỏ nhạy cảm và dễ tổn thương khi tiếp xúc với UVB.

Bên cạnh tác dụng giúp cơ thể tổng hợp vitamin D, tia UVB là tác nhân gây cháy nắng và ung thư da. Cơ quan Y tế Quốc Gia Anh khuyến cáo trẻ dưới 6 tháng không nên phơi nắng. Trẻ lớn muốn nhận ánh sáng mặt trời để tổng hợp vitamin D thì thời gian phù hợp trong ngày là 11 – 15h. Bạn nên cho trẻ sử dụng kem chống nắng có chỉ số SPF từ 15 trở lên để hạn chế tổn thương da. Kèm theo đeo kính râm và đội mũ rộng vành để hạn chế tổn thương mắt và say nắng. Vì phụ thuộc vào nhiều yếu tố nên hiện nay chưa có bất kỳ khuyến cáo nào về việc nên cho trẻ tắm nắng trong bao lâu.
Kết lại: uống vitamin D vẫn là biện pháp hữu hiệu để bổ sung vi chất này ở trẻ nhỏ. Ở trẻ lớn, bố mẹ nên cho trẻ ăn nhiều các loại thực phẩm giàu vitamin D để phòng tránh các bệnh lý mạn tính và ác tính trong tương lai.
[…] ta đều biết, trẻ em cần vitamin D để phát triển hệ xương vững chắc, phòng tránh còi xương và tăng cường hệ […]