Hỏi đáp về nôn nghén khi mang thai

Vì sao có người chỉ ốm nghén vài ngày lúc mới mang thai, còn bạn lại nôn, buồn nôn tới tận lúc sinh? Liệu có phải cứ có thai là sẽ nôn nghén không? Nôn nghén khi mang thai là hiện tượng phổ biến ở nhiều mẹ bầu. Tuy nhiên, chưa chắc bạn đã hiểu hết về tình trạng này. Cùng mình khám phá lời giải cho 6 thắc mắc xung quanh chủ đề này nhé!

Nội dung chính

Vì sao bạn nôn nghén khi mang thai?

Tới nay, các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra lời giải chính xác cho câu hỏi trên. Mặc dù vậy, nôn nghén khi mang thai đã được chứng minh là có mối liên quan mật thiết với sự biến đổi hormone sinh dục nữ. Khi có bầu, nồng độ hormone hCG, estrogen và progesterone tăng cao đã tạo nên nhiều thay đổi trên cơ thể người mẹ, trong đó có hiện tượng nôn nghén.

Bên cạnh đó, yếu tố tâm lý – xã hội và các vấn đề của hệ tiêu hóa như trào ngược dạ dày – thực quản cũng góp phần gây ra hiện tượng này.

nguyên nhân nôn nghén khi mang thai
Hormone biến đổi mạnh mẽ là yếu tố quan trọng nhất khiến mẹ bầu nôn nghén

Tất cả phụ nữ đều nôn nghén khi mang thai?

Không hẳn. Nhiều nghiên cứu báo cáo rằng nôn nghén xảy ra ở 70 – 80% phụ nữ trong thời kỳ mang thai. Điều đó có nghĩa là đa phần người mẹ sẽ phải trải qua tình trạng này trong thai kỳ. Nếu không có, cũng không phải bất thường.

Nôn nghén khi mang thai diễn ra bao lâu?

Bạn thường cảm thấy buồn nôn và nôn sau khi thụ thai 2 – 4 tuần. Đó là thời điểm nồng độ hormone sinh dục nữ trong cơ thể bạn bắt đầu biến đổi. Điều này giải thích vì sao nôn nghén là dấu hiệu thông báo bạn đang mang bầu, bên cạnh biểu hiện chậm kinh.

Nôn nghén trong thai kỳ thường nặng nề nhất ở tuần 9 – 16 và kéo dài tới tuần thai 22. Tuy nhiên, khoảng 10% mẹ bầu có triệu chứng nôn nghén tới hết thai kỳ. Tức là bạn hoàn toàn có thể cảm thấy buồn nôn và nôn tới tận lúc sinh.

Ốm nghén nhiều hoặc kéo dài có phải bất thường?

Nôn nghén là hiện tượng thường gặp và phổ biến trong thai kỳ. Mặc dù vậy, trong 100 mẹ bầu sẽ có 2 người phải đối mặt với tình trạng nôn, buồn nôn nặng và 10 người ốm nghén kéo dài.

Ốm nghén nặng và kéo dài có thể ảnh hưởng nặng nề tới sức khỏe của mẹ và bé. Bạn buồn nôn, nôn dữ dội dẫn đến sụt cân, rối loạn điện giải. Em bé cũng không có đủ chất dinh dưỡng để phát triển. Nặng nề hơn, bạn có thể bị tổn thương gan, thận, phổi; thai nhi sẽ nhẹ cân, sinh non hoặc chết lưu.

nôn nghén khi mang thai có nguy hiểm không
Nôn nghén nặng và kéo dài là dấu hiệu nguy hiểm mà phụ nữ mang thai không nên chủ quan

Ốm nghén nặng và kéo dài thường xảy ra khi:

  • Bạn từng ốm nghén nặng trong những lần mang thai trước.
  • Bạn thường say tàu xe, nhạy cảm với mùi vị lạ hoặc từng buồn nôn hoặc nôn khi uống thuốc tránh thai.
  • Bạn mắc bệnh lý trào ngược dạ dày – thực quản.
  • Mẹ và chị em gái của bạn bị ốm nghén nặng trong thai kỳ.
  • Bạn mang song thai hoặc đa thai.
  • Thai nhi là con gái.
  • Thai nhi có dị tật bẩm sinh như hội chứng Down.

Do đó, nếu trong quá trình mang thai, bạn bị nôn nghén liên tục, nặng nề hoặc kéo dài hơn 4 tháng thì nên đi khám để được tư vấn, điều trị. Đặc biệt khi bạn không thể ăn uống, dẫn đến gầy sút cân hoặc kèm theo sốt, chóng mặt, đau đầu, tim đập nhanh, đau bụng, tiểu nhiều, nước tiểu sẫm màu. Lúc này, ốm nghén không còn là hiện tượng sinh lý bình thường nữa.

Nôn nghén có gây hại cho thai nhi không?

Trừ trường hợp ốm nghén nặng và kéo dài, tình trạng này ít ảnh hưởng tới sức khỏe của thai nhi. Trẻ sinh ra từ những bà mẹ nôn nghén thai kỳ không bị thiếu tháng và nhẹ cân.

Nôn nghén ảnh hưởng tới mẹ bầu như nào?

Mặc dù ít ảnh hưởng tới cân nặng và tuổi thai của em bé, nôn nghén thai kỳ lại gây hại cho sức khỏe cũng như cuộc sống của mẹ bầu.

Chán ăn, gầy sút cân

Buồn nôn và nôn trong thai kỳ khiến bạn sợ mùi thức ăn và không dám ăn. Nếu tình trạng này kéo dài, bạn sẽ mệt mỏi và gầy sút cân.

nôn nghén khi mang thai không ăn được gì
Nôn nghén khi mang thai khiến mẹ bầu chán ăn và mệt mỏi

Phá hủy sức khỏe răng miệng

Nôn nghén đưa môi trường acid từ dạ dày lên khoang miệng, dẫn đến phá hủy men răng, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển. Thêm nữa, nhiều mẹ bầu thường lơ là chăm sóc răng miệng hàng ngày vì e ngại mùi vị của kem đánh răng sẽ gây nôn, buồn nôn. Chính những lý do này đã khiến nguy cơ viêm lợi và sâu răng ở phụ nữ có thai tăng lên đột biến. Vì vậy, đừng quên chăm sóc răng miệng khi mang thai, bạn nhé!

Tăng nguy cơ tiền sản giật

Tăng huyết áp và tiền sản giật là bệnh lý nguy hiểm trong thai kỳ, đe dọa tính mạng của mẹ bầu lẫn thai nhi. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh nôn nghén làm tăng nguy cơ tăng huyết áp và tiền sản giật trong thai kỳ.

Ảnh hưởng tới tâm lý và cuộc sống

Không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe thể chất, nôn nghén còn hạ gục tâm lý của mẹ bầu và cả gia đình. Bạn lo lắng, cáu gắt, rối loạn giấc ngủ, thậm chí có nguy cơ mắc trầm cảm. Người thân trong gia đình cũng bồn chồn không yên. Bên cạnh đó, buồn nôn và nôn khi mang thai cũng làm gián đoạn công việc của bạn, khiến bạn mệt mỏi, khó tập trung và phải xin nghỉ phép dài ngày.

Nôn nghén khi mang thai là hiện tượng sinh lý bình thường của người phụ nữ, là tin vui báo hiệu bạn đã làm mẹ. Tuy nhiên, bạn nên hiểu rõ về hiện tượng này để chuẩn bị tinh thần và thể chất sẵn sàng. Ngoài ra, bạn cũng có thể áp dụng 3 giải pháp xóa sổ nôn nghén để thai kỳ đỡ mệt mỏi và vui vẻ hơn.

Hạnh Trang

Hạnh Trang tốt nghiệp chuyên ngành Bác sĩ Đa khoa và hiện đang là cây viết chuyên nghiệp trong lĩnh vực Sức khỏe Phụ nữ - Trẻ em. Ba giá trị mà cô luôn đề cao trong các bài viết của mình là: tin cậy, gần gũi và hữu ích.

Bài viết cùng chủ đề

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

error: Content is protected !!