Hiểm họa lười vệ sinh răng miệng khi mang thai

hiểm họa lười vệ sinh răng miệng khi mang thai

Súc miệng, đánh răng vốn là thói quen sinh hoạt gần gũi, được tất cả chúng ta thực hiện hàng ngày. Tuy nhiên, trong thai kỳ, rất nhiều mẹ bầu thường bỏ quên hoặc né tránh hoạt động này. Vì sao lại như vậy? Liệu lười vệ sinh răng miệng khi mang thai có ảnh hưởng gì tới sức khỏe của mẹ và bé không? Câu trả lời là có, thậm chí cực kỳ nguy hiểm.

Nội dung chính

Lười vệ sinh răng miệng trong thai kỳ có hại như thế nào?

Chảy máu chân răng, đau răng tưởng như rất bình thường nhưng hàm chứa nhiều nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe của mẹ và bé.

Ảnh hưởng tới sức khỏe của mẹ

Mẹ bầu lười vệ sinh răng miệng có nguy cơ cao bị viêm nhiễm nặng nề, dẫn đến áp xe răng và khoang miệng. Lúc này, cơ thể mẹ sẽ tăng tiết các chất trung gian trong phản ứng viêm như interleukin, prostagladin… Những chất này một mặt có tác dụng bảo vệ mẹ khỏi sự tấn công của vi khuẩn gây bệnh, một mặt lại kích thích cơ tử cung co bóp, làm tăng nguy cơ sảy thai và đẻ non. Ngoài ra, vi khuẩn trong ổ nhiễm trùng từ khoang miệng có thể lan truyền theo đường máu và tiếp cận thai nhi.

Lười vệ sinh răng miệng khi mang thai cũng đẩy mẹ bầu vào nguy cơ cao mắc tiền sản giật cao hơn. Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng bệnh lý nha chu làm tăng 1,76 lần nguy cơ tiền sản giật trong thai kỳ. Thậm chí, có nhiều phụ nữ mang thai phải đình chỉ thai nghén để ưu tiên điều trị vấn đề nhiễm trùng cho mẹ.

Đe dọa tính mạng của con

Trẻ sinh non và/ hoặc có cân nặng lúc sinh thấp sẽ phải đối mặt với nhiều bệnh lý hô hấp, tim mạch, thần kinh, mắt… nặng nề. Ngoài ra, sau khi em bé chào đời, mẹ có thể truyền vi khuẩn trong khoang miệng của mình sang cho con thông qua hành động âu yếm, ôm hôn. Con của những bà mẹ bị sâu răng không được điều trị có nguy cơ sâu răng ngay khi còn nhỏ cao gấp 3 lần những trẻ bình thường khác.

lười vệ sinh răng miệng khi mang thai có thể dẫn đến sảy thai, sinh non hoặc đình chỉ thai nghén
Lười vệ sinh răng miệng khi mang thai có thể dẫn đến sảy thai, sinh non và tăng nguy cơ tiền sản giật

Vì sao mẹ bầu thường gặp vấn đề về răng miệng?

Khi mang thai, nội tiết tố trong cơ thể mẹ biến đổi rất dữ dội. Cụ thể, nồng độ estrogen tăng gấp 10 lần và nồng độ progesteron tăng hơn 30 lần so với cơ thể trước khi mang thai. Chính sự tăng vọt của các hormone sinh dục này đã khiến vùng lợi của bạn bị sung huyết, dễ chảy máu đồng thời gây giảm tiết nước bọt, tăng nguy cơ sâu răng.

Ốm nghén cũng ảnh hưởng tới sức khỏe răng miệng của phụ nữ có thai. Nồng độ acid cao từ dạ dày trào lên miệng sẽ phá hủy men răng, tạo cơ hội cho sâu răng tiến triển. Hơn nữa, ốm nghén khiến cơ thể mẹ bầu liên tục mệt mỏi nên thường bỏ qua hoạt động vệ sinh răng miệng. Ngoài ra, một số mẹ bầu nhạy cảm thường cảm thấy khó chịu và buồn nôn với mùi vị của kem đánh răng nên càng e dè thói quen cần thiết này.

Mặt khác, khi mang bầu, nhiều phụ nữ thường xuyên có cảm giác thèm ăn và đói bụng nên ăn vặt nhiều bữa trong ngày. Chính thói quen này kết hợp với lười vệ sinh đã kích thích các vi khuẩn trong khoang miệng hoạt động và hủy hoại răng lợi của bạn.

Bên cạnh đó, mang thai là giai đoạn cơ thể mẹ có sức đề kháng rất kém. Bào thai vốn là vật thể lạ nên cơ thể mẹ phải tự ức chế hệ miễn dịch của bản thân để tiếp nhận và nuôi dưỡng bào thai. Tuy nhiên, chính sự suy yếu của hệ miễn dịch đã tạo điều kiện cho các vi khuẩn trong khoang miệng phát triển mạnh mẽ và làm nặng hơn tình trạng viêm nhiễm.

lười vệ sinh răng miệng khi mang thai là một trong những nguyên nhân gây ra nhiều vấn đề răng miệng cho mẹ bầu
Lười vệ sinh răng miệng là một trong những nguyên nhân dẫn đến các vấn đề răng miệng ở mẹ bầu

Các vấn đề răng miệng thường gặp ở mẹ bầu

Phụ nữ mang thai thường gặp phải các vấn đề răng miệng sau:

Viêm lợi và nha chu

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), khoảng 60 – 75% phụ nữ có thai bị viêm lợi. Tình trạng này là giai đoạn sớm của bệnh lý nha chu, với biểu hiện điển hình là vùng lợi quanh răng sưng đỏ, dễ chảy máu khi đánh răng hoặc dùng chỉ nha khoa. Đôi khi, mẹ bầu có thể cảm nhận được dịch rỉ viêm có vị khó chịu. Khi bị viêm lợi, miệng của bạn cũng thường có mùi hôi.

Nếu không được điều trị kịp thời, viêm lợi sẽ tiến triển nặng hơn thành nha chu. Lúc này, lợi bị nhiễm trùng nặng nên sưng đau nhiều. Cấu trúc xương hàm bị thoái hóa khiến răng lung lay, thậm chí là rụng răng.

Sâu răng

Phụ nữ mang thai cũng có nguy cơ cao bị sâu răng. Tại Mỹ, cứ 4 phụ nữ trong độ tuổi sinh sản thì có 1 người bị sâu răng không được điều trị. Khi bị sâu răng, bạn sẽ cảm thấy đau buốt hoặc ê răng. Bạn cũng có thể quan sát thấy lỗ hổng hoặc chấm đen bất thường trên bề mặt của răng.

Sâu răng xảy ra trong thai kỳ thường khiến mẹ bầu đau buốt, ảnh hưởng tới hoạt động ăn uống. Khi đó, bạn có thể không nhận đủ nguồn dinh dưỡng cho bản thân và thai nhi. Ngoài ra, đứa trẻ sinh ra từ mẹ bầu bị sâu răng cũng có nguy cơ cao bị sâu răng rất sớm sau này.

viêm lợi và sâu răng là hai vấn đề răng miệng phổ biến trong thai kỳ
Viêm lợi và sâu răng là 2 vấn đề răng miệng phổ biến trong thai kỳ

U hạt sinh mủ thai nghén

Đây là khối u lành tính và chỉ xuất hiện trong thai kỳ. Bạn sẽ nhìn thấy những u cục màu đỏ, dễ chảy máu ở vùng lợi giữa các răng. Khối u này được hình thành từ những mảng bám trên răng và vi khuẩn trong khoang miệng. Thông thường, u hạt sinh mủ thai nghén không nguy hiểm và sẽ tự biến mất sau khi sinh con. Nhưng cũng có những trường hợp cần can thiệp và điều trị ngay trong thai kỳ.

Một ngày quên đánh răng và súc miệng có thể không sao nhưng 9 tháng 10 ngày trong thai kỳ lơ là vệ sinh răng miệng chắc chắn sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Vì vậy, mẹ bầu đừng chỉ quan tâm tới dinh dưỡng và vận động, hãy biết cách chăm sóc răng miệng nữa nhé!

Hạnh Trang

Hạnh Trang tốt nghiệp chuyên ngành Bác sĩ Đa khoa và hiện đang là cây viết chuyên nghiệp trong lĩnh vực Sức khỏe Phụ nữ - Trẻ em. Ba giá trị mà cô luôn đề cao trong các bài viết của mình là: tin cậy, gần gũi và hữu ích.

Bài viết cùng chủ đề

2 Comments

Trả lời 3 mẹo giảm nôn nghén khi mang thai - Sổ tay làm mẹ Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

error: Content is protected !!