Phụ nữ có thai và cho con bú có nên tiêm vaccine COVID-19 không?

Trong tháng 8 này, Bộ Y tế đã phê duyệt chương trình tiêm vaccine COVID-19 cho phụ nữ có thai trên 13 tuần và bà mẹ đang cho con bú. Tuy nhiên, rất nhiều gia đình vẫn lo lắng về tác dụng phụ của vaccine với sức khỏe của mẹ và bé. Liệu phụ nữ có thai và cho con bú có nên tiêm vaccine COVID-19 không? Vaccine này có gây hại gì với mẹ và bé không? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây nhé!

Nội dung chính

Phụ nữ có thai và cho con bú có nên tiêm vaccine COVID-19 không?

Đại dịch COVID-19 bắt đầu từ tháng 12/2019 và đến nay đã lan rộng trên toàn thế giới với hơn 200 triệu ca mắc và 4 triệu ca tử vong. Trước bối cảnh dịch bệnh phức tạp, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khẳng định vaccine chính là chiếc chìa khóa vàng để đẩy lùi đại dịch.

Các loại vaccine phòng chống COVID-19 hiện nay có hiệu quả bảo vệ 60 – 95% với mọi biến thể. Những người không tiêm vaccine có nguy cơ mắc SARS-CoV-2 cao gấp 2 lần so với những người đã được tiêm ít nhất 1 mũi. Ngoài ra, vaccine cũng giảm thiểu tỉ lệ nhập viện và các biến chứng đe dọa tính mạng.

Giai đoạn mang thai là thời kỳ sức đề kháng của mẹ suy giảm. Do đó, mẹ bầu có nguy cơ cao lây nhiễm và phải đối mặt với nhiều biến chứng nghiêm trọng khi mắc SARS-CoV-2. Bao gồm đẻ non, suy hô hấp, suy đa tạng, thậm chí tử vong. Theo nghiên cứu từ Đại học Johns Hopkins, vaccine giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng ở mẹ và có khả năng truyền kháng thể cho con qua dây rốn. Vì vậy, phụ nữ có thai nên tiêm phòng COVID-19 để bảo vệ sức khỏe của mẹ và thai nhi.

Với phụ nữ đang cho con bú, tiêm vaccine cũng có tác dụng phòng chống COVID-19 cho cả mẹ và bé. Các chuyên gia của Đại học Harvard đã khẳng định trẻ em có thể nhận được kháng thể phòng chống SARS-CoV-2 thông qua sữa mẹ.

phụ nữ có thai và cho con bú có nên tiêm vaccine COVID-19 không
Vaccine là chiếc chìa khóa vàng để bảo vệ sức khỏe của mẹ và bé

Vaccine COVID-19 có an toàn với phụ nữ có thai và cho con bú không?

Vaccine hiện nay được khuyến cáo là an toàn với người từ 18 tuổi trở lên, kể cả những người có các bệnh lý nền như bệnh tim mạch, đái tháo đường, suy thận… Như vậy, phụ nữ có thai và cho con bú hoàn toàn nằm trong đối tượng được khuyến cáo tiêm chủng. Hiện nay tại Việt Nam, tất cả các vaccine đã được phê duyệt (trừ Sputnik V) đều có thể sử dụng cho phụ nữ có thai từ 13 tuần trở lên.

Các nghiên cứu đã chứng minh sự an toàn của vaccine đối với phụ nữ có thai và cho con bú. Vaccine phòng chống COVID-19 được sản xuất từ một phần của virus (mARN hoặc protein) nên không có khả năng gây bệnh. Giống như vaccine bạch hầu – ho gà – uốn ván, vaccine này không thể gây hại đến thai nhi và trẻ nhỏ.

Bên cạnh đó, vaccine COVID-19 cũng đã được chứng minh là không ảnh hưởng tới chức năng sinh sản lâu dài của phụ nữ. Trong một nghiên cứu của tạp chí Y khoa hàng đầu thế giới Nature với gần 80.000 phụ nữ tham gia, kết quả là vaccine Pfizer, Moderna và AstraZeneca không hề ảnh hưởng tới khả năng thụ thai.

vaccine COVID-19 an toan với phụ nữ có thai và cho con bú
Vaccine COVID-19 an toàn với phụ nữ có thai và cho con bú

Phải làm sao nếu tiêm vaccine xong mới phát hiện có bầu?

Hiện nay, Bộ Y tế khuyến cáo tiêm vaccine đối với phụ nữ có thai từ 13 tuần trở lên. Tuy nhiên, nếu sau khi tiêm vaccine, bạn phát hiện mình có bầu thì không nên lo lắng và vội vàng chấm dứt thai kỳ. Chưa có bất kỳ bằng chứng nào về ảnh hưởng gây sảy thai hoặc dị tật thai nhi do tiêm vaccine COVID-19. Do đó, việc bạn cần làm là đi khám để được chuyên gia y tế tư vấn và theo dõi sức khỏe thường xuyên.

Sau khi tiêm vaccine COVID-19 bao lâu thì được có bầu?

Một câu hỏi khác cũng được nhiều bố mẹ quan tâm, đó là sau khi tiêm vaccine bao lâu thì bạn có thể tiếp tục có bầu? Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các biến chứng (nếu có) của vaccine có thể xuất hiện tối đa sau 3 tuần kể từ ngày tiêm. Để an toàn nhất, các chuyên gia khuyến cáo thời gian từ mũi tiêm cuối cùng đến khi mang thai nên là 3 tháng. Tuy nhiên, nếu lỡ có em bé trong khoảng thời gian chờ đợi, bạn nên xin ý kiến của bác sĩ và theo dõi thường xuyên thay vì hoang mang gây ảnh hưởng đến thai nhi.

vaccine COVID-19 và thai sản
Vaccine COVID-19 được khuyến cáo tiêm cho phụ nữ có thai từ 13 tuần trở lên

Nếu bạn lỡ có thai ở thời điểm giữa 2 mũi tiêm, việc trì hoãn tiêm chủng nên được cân nhắc. Trong trường hợp này, bạn nên thông báo với bác sĩ về tuổi thai và các phản ứng sau tiêm của mũi tiêm trước để cân nhắc có nên tiêm mũi thứ hai hay không. Nếu được tiêm, hãy theo dõi cẩn thận các phản ứng phụ xảy ra và thông báo với bác sĩ về bất kỳ phản ứng lạ nào, đặc biệt là tình trạng sốt cao.

Vaccine và 5K được chứng minh chính là chiếc chìa khóa vàng để vượt qua đại dịch. Là một người mẹ, bạn đã sẵn sàng để bảo vệ bản thân mình và đứa con của mình chưa?

Tài liệu tham khảo

  1. https://www.who.int/news-room/q-a-detail/coronavirus-disease-(covid-19)-vaccines?adgroupsurvey={adgroupsurvey}&gclid=Cj0KCQjwpf2IBhDkARIsAGVo0D1nMNO-uIxpa22ayMxKV3rpQVxevS-_c6_imtQdMNT8ps4OLOIF0hcaAvg_EALw_wcB
  2. https://www.cdc.gov/coronavirus/2019-ncov/vaccines/vaccine-benefits.html
  3. https://www.cdc.gov/coronavirus/2019-ncov/vaccines/recommendations/pregnancy.html
  4. https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/coronavirus/the-covid19-vaccine-and-pregnancy-what-you-need-to-know
  5. https://www.nature.com/articles/s41577-021-00525-y

Đào Trang

Đào Trang là cây viết tự do về sức khỏe dinh dưỡng. Trang tin tưởng rằng dinh dưỡng thực sự là một liệu pháp điều trị và ngày càng đóng vai trò quan trọng trong phòng và chữa bệnh.

Bài viết cùng chủ đề

1 Comment

Trả lời Làm sao để tìm kiếm thông tin uy tín, chất lượng trong lĩnh vực sức khỏe? - hanhtrang.co Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

error: Content is protected !!