Phòng ngừa đuối nước trẻ em như thế nào?

phòng ngừa đuối nước trẻ em

Cái nắng gắt gao cùng màu hoa phượng đỏ báo hiệu mùa hè đã về. Với con trẻ, điều tuyệt vời của mùa hè là kỳ nghỉ dài ngày, những chuyến đi lên rừng xuống biển và được vẫy vũng trong làn nước mát. Dẫu vậy, mùa hè lại là nỗi lo của nhiều bậc phụ huynh và chuyên gia y tế bởi nguy cơ đuối nước tăng cao vượt trội. 2/3 trường hợp đuối nước ở trẻ em Việt Nam xảy ra trong tháng 5 đến tháng 8. Vậy làm thế nào để trẻ có thể vui chơi dưới nước nhưng vẫn được an toàn và khỏe mạnh? Làm thế nào để phòng ngừa đuối nước trẻ em? Bài viết này sẽ giúp bố mẹ trả lời những câu hỏi đó.

Nội dung chính

Địa điểm gây đuối nước ở trẻ em

Trẻ em là đối tượng non nớt, thiếu khả năng nhận biết nguy hiểm và bảo vệ bản thân. Do đó, trẻ có thể bị đuối nước trong chính ngôi nhà của mình chứ không chỉ ở sông, suối, ao, hồ hay bãi biển và bể bơi. Tại Bangladesh, 80% các ca đuối nước ở độ tuổi 0 – 5 xảy ra trong bán kính 20 mét xung quanh nhà.

Các địa điểm nguy hiểm mà bố mẹ cần cảnh giác là:

  • Ngoài môi trường: bãi biển, bể bơi, sông, suối, ao, hồ, mương, lũ lụt…
  • Trong khuân viên nhà bạn: giếng, ao cá, bể nước, thùng chứa nước, đài phun nước…
  • Ngay trong tổ ấm của gia đình: bể cá, chậu nước, bồn tắm, bồn cầu, bồn rửa mặt…
địa điểm thường xảy ra ở trẻ em
Trẻ em có thể đuối nước trong chính ngôi nhà của mình

Ảnh hưởng nặng nề của đuối nước

Đuối nước là vấn đề sức khỏe nghiêm trọng toàn cầu không chỉ vì mức độ phổ biến mà còn bởi những hậu quả nặng nề mà tai nạn này mang đến cho trẻ em, gia đình và xã hội.

Gây tử vong và để lại di chứng suốt cuộc đời trẻ

Đuối nước ở trẻ em là nguyên nhân gây tử vong phổ biến thứ 2 trong lứa tuổi 1 – 4, chỉ sau dị tật bẩm sinh. Tại Việt Nam, mỗi năm có hơn 2.000 trẻ tử vong do tai nạn này. Nếu may mắn sống sót, trẻ phải gánh chịu nhiều di chứng vĩnh viễn do tổn thương não bộ. Trẻ sẽ không bao giờ có thể tỉnh táo và đi học bình thường như bạn bè đồng trang lứa. Sinh hoạt hàng ngày của trẻ phụ thuộc hoàn toàn vào người thân. Đồng thời trẻ cũng phải duy trì nhiều loại thuốc để điều trị các biến chứng do đuối nước.

Nối đau tinh thần và gánh nặng cho gia đình

Không một cha mẹ nào có thể chịu được nỗi đau mất con đột ngột sau tai nạn đuối nước. Sự tuyệt vọng của bố mẹ sẽ còn nhiều hơn gấp bội nếu đuối nước xảy ra do sự bất cẩn của gia đình hoặc trong chính ngôi nhà tràn ngập yêu thương dành cho con trẻ. Nếu trẻ sống sót sau tai nạn, gánh nặng về kinh tế gia đình, thời gian và trách nhiệm chăm sóc cũng rất nặng nề và lâu dài.

Tổn thất nền kinh tế toàn cầu

Chi phí trung bình để cứu chữa 1 đứa trẻ đuối nước tại Úc, Canada và Mỹ là 85 – 410 triệu USD. Đó là một số tiền khổng lồ bởi trẻ cần nhiều loại thuốc và trang thiết bị đặc biệt trong quá trình hồi sức. Điều quan trọng là con số này sẽ tiếp tục leo thang vì trẻ cần được chăm sóc và tiếp tục điều trị trong giai đoạn di chứng sau này.

Tổn thất về sức khỏe, tinh thần, kinh tế sau tai nạn đuối nước với con trẻ, gia đình và cả xã hội thật khủng khiếp. Vì vậy, phòng ngừa đuối nước cho trẻ là việc làm cần thiết mà bố mẹ luôn phải đề cao và cảnh giác.

sự nguy hiểm của đuối nước
Đuối nước để lại hậu quả nặng nề tới trẻ, gia đình và cả xã hội

Biện pháp phòng ngừa đuối nước ở trẻ em

Canh chừng trẻ mọi lúc mọi nơi

Bố mẹ phải giám sát trẻ mọi lúc, mọi nơi, đặc biệt với lứa tuổi mầm non hiếu động. Trẻ em là lứa tuổi thích chạy nhảy và hay tò mò đồng thời chưa nhận biết được các tình huống nguy hiểm. Do đó, bố mẹ cần để mắt đến trẻ, cho dù ở trong nhà hay ra bên ngoài. Khi cho trẻ tham gia các hoạt động liên quan đến nước, bố mẹ cũng cần theo dõi trẻ sát sao để nhanh chóng phát hiện tình huống nguy hiểm và ngăn chặn hoặc cứu hộ trẻ kịp thời.

Giữ trẻ trong khu vực an toàn

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo nên cho trẻ 0 – 2 tuổi chơi trong cũi và lắp đặt rào chắn cửa khi trẻ được 6 tháng – 4 tuổi.

Để đảm bảo an toàn cho trẻ khi sử dụng cũi, bố mẹ cần tránh đặt cũi trên mặt phẳng gồ ghề, ở gần nguồn nhiệt (đèn, nến, bếp), ổ điện và dây phơi. Cách này sẽ hạn chế nguy cơ trẻ bị bỏng, giật điện và tai nạn thắt cổ. Không sử dụng cũi thiếu thanh vì trẻ có thể chui ra ngoài. Hạn chế đưa những món đồ chơi to hoặc các loại hộp đựng kích thước lớn vào trong cũi cho trẻ. Trẻ có thể lợi dụng những đồ vật này để đứng vịn và trèo ra khỏi cũi. Nhiều trẻ không thích chơi trong cũi nên sẽ có phản ứng gào khóc. Trong trường hợp này, nếu bạn hoặc người thân trong gia đình có thể giám sát trẻ chặt chẽ thì hãy cho trẻ ra ngoài chơi. Còn nếu không, tuyệt đối đừng mềm lòng và “trả tự do cho trẻ”.

Đối với rào chắn cửa, bạn nên mua loại có khả năng tự đóng hoặc luôn ghi nhớ đóng rào chắn sau khi ra khỏi phòng. Rào chắn phải đủ cao để trẻ không trèo được ra ngoài. Ưu tiên lựa chọn rào chắn có cấu tạo phức tạp để hạn chế trường hợp trẻ “trốn thoát”. Ví dụ rào chắn cần lực mạnh mới đẩy được ra hoặc phải kết hợp thao tác vừa đẩy vừa bóp mới mở được.

Loại bỏ mối nguy tiềm ẩn

Rất nhiều địa điểm, đồ vật trong và xung quanh nhà tiềm ẩn nguy cơ gây đuối nước. Hơn nữa, trẻ em rất thích nghịch nước. Do đó, bạn cần xóa bỏ hoặc giảm thiểu tối đa những mối nguy hại với trẻ. Hãy đổ xô, chậu nước sau khi tắm xong, xả hết nước trong bồn tắm, gấp gọn bể bơi phao sau khi sử dụng. Không tích giữ nước trong các thau, xô, chậu trong nhà. Đặt bể cá cảnh xa khỏi tầm với của trẻ. Nếu không sử dụng bể nước, thùng chứa, giếng hoặc ao xung quanh nhà, hãy tát cạn nước, lấp đất hoặc cất gọn.

biện pháp phòng ngừa đuối nước trẻ em
Các biện pháp phòng ngừa đuối nước hiệu quả ở trẻ em

Ngăn cách khu vực nguy hiểm

Nếu không thể loại bỏ các khu vực nguy hiểm, hãy xây dựng hàng rào xung quanh ao, hồ và đậy kín miệng giếng, bể nước, thùng chứa nước. Hàng rào phải bao kín toàn bộ ao, hồ, đảm bảo cao đủ 1,4 – 1, 5 mét và không có thanh ngang. Có như vậy trẻ mới không thể trèo qua được. Bên cạnh đó, bạn cũng nên đóng cửa phòng tắm và nhà vệ sinh sau khi sử dụng. Trẻ có thể gặp nguy hiểm khi trượt chân ngã hoặc bị bỏng vì nước nóng.

Cho trẻ học bơi sớm

Bơi lội là phương pháp phòng ngừa đuối nước hiệu quả ở trẻ em, đặc biệt với trẻ từ 4 tuổi trở lên. Bơi lội là môn thể thao đem lại lợi ích tuyệt vời cho trẻ về cả thể chất lẫn tinh thần. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) khuyến cáo nên cho trẻ học bơi trước 4 tuổi.

Bạn nên đăng ký cho trẻ tham gia các khóa học bơi với giáo viên chứ đừng tự dạy cho trẻ. Các giáo viên đã được đào tạo bài bản về bơi lội, có khả năng sư phạm và kỹ năng sơ cấp cứu ban đầu chắc chắn sẽ giúp trẻ tiến bộ nhanh chóng và đảm bảo an toàn cho trẻ. Bên cạnh đó, bạn cũng nên chú ý lựa chọn bể bơi có nguồn nước sạch và đội ngũ cứu hộ chuyên nghiệp. Tuyệt đối không tự dạy bơi cho trẻ tại sông, suối, ao, hồ và biển. Những khu vực này vừa không an toàn vì có sóng và dòng chảy mạnh, vừa có thể lây truyền nhiều vi sinh vật gây bệnh.

Dạy trẻ quy định và kỹ năng an toàn dưới nước

Biết bơi thôi chưa đủ, để phòng tránh tối đa nguy cơ đuối nước, bố mẹ cần trò chuyện, khuyên răn và dạy cho trẻ những kỹ năng cần thiết trong môi trường nước.

  • Giải thích cho trẻ sự nguy hiểm của đuối nước, ý nghĩa của hàng rào, biển hiệu cảnh báo nguy hiểm (hồ sâu cấm tắm, không bơi xa bờ…). Khuyên nhủ trẻ chấp hành quy định của bể bơi, bãi biển, tuân thủ sự hướng dẫn của đội ngũ cứu hộ và chỉ lại gần bể bơi, sông, suối, ao hồ, bãi biển khi có bố mẹ đi cùng.
  • Không xô đẩy, đùa nghịch bạn bè dưới nước để đảm bảo an toàn cho bản thân và các bạn.
  • Hướng dẫn trẻ cách xuống nước từ từ, không nhảy tùm hoặc lộn nhào, vừa nguy hiểm cho trẻ vừa ảnh hưởng tới mọi người xung quanh.
  • Dạy trẻ cách lựa chọn địa điểm an toàn để bơi: bể bơi có dây phao, có cô chú cứu hộ hoặc đông người, không bơi ở sông suối có nước chảy xiết, không bơi khi biển có sóng lớn.
  • Hướng dẫn trẻ mặc áo phao khi tham gia các phương tiện giao thông đường thủy (thuyền, bè, tàu…) hoặc khi đi bơi mà trẻ chưa có kỹ năng bơi thành thạo.

Phòng chống đuối nước là biện pháp quan trọng và cần thiết để trẻ có môt mùa hè vừa khỏe vừa vui. Chúc bạn và con có một kỳ nghỉ hè an toàn và đáng nhớ!

Tài liệu tham khảo:

  1. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ: https://www.cdc.gov/healthywater/swimming/index.html
  2. Tổ chức Y tế Thế giới WHO: https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/drowning
  3. Học viện Nhi Khoa Hoa Kỳ: https://www.healthychildren.org/English/safety-prevention/at-play/Pages/Water-Safety-And-Young-Children.aspx

Hạnh Trang

Hạnh Trang tốt nghiệp chuyên ngành Bác sĩ Đa khoa và hiện đang là cây viết chuyên nghiệp trong lĩnh vực Sức khỏe Phụ nữ - Trẻ em. Ba giá trị mà cô luôn đề cao trong các bài viết của mình là: tin cậy, gần gũi và hữu ích.

Bài viết cùng chủ đề

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

error: Content is protected !!