Con khỏe mạnh – Mẹ an yên

Trẻ bị ốm không còn là nỗi lo của bố mẹ trong ngày Tết

Sẽ ra sao nếu trong những ngày cuối năm bận rộn hoặc vừa bước sang xuân mới mà em bé của bạn bị ốm? Tiếng ho của con thay cho tiếng pháo. Cháo xay thay cho xôi gà. Thay vì canh nồi bánh chưng lại trông con hạ sốt. Thay vì đi chúc Tết thì vội vàng đưa con đến viện. Chắc chắn không bố mẹ nào muốn rơi vào tình cảnh ấy.

Tuy nhiên, sự thật trái ngang là nhiều trẻ “ngày thường không sao, cứ nhè Tết là ốm”. Nguyên nhân là do sự xáo trộn trong nếp sinh hoạt, chế độ ăn uống cùng việc phải di chuyển nhiều trong tiết trời đông xuân lạnh ẩm. Vậy làm cách nào để cả gia đình cùng nhau vui khỏe đón Tết trọn vẹn? Dưới đây là những bí quyết mà chắc chắn mẹ không nên bỏ qua.

Nội dung chính

Phòng bị tốt trước các bệnh truyền nhiễm

Mùa đông xuân với thời tiết lạnh, mưa, nồm ẩm là điều kiện lý tưởng cho các loại vi-rút lan truyền và gây bệnh. Hơn nữa, trẻ còn tiếp xúc với nhiều khách tới chơi nhà hoặc đi chơi chỗ đông người, đi chúc tết cùng bố mẹ. Vì thế, nguy cơ lây nhiễm và mắc các bệnh truyền nhiễm có xu hướng tăng lên.

Cụ thể, trẻ có thể nhiễm cúm, vi-rút gây viêm đường hô hấp trên, dẫn đến chảy nước mũi, ho, sốt. Sởi, thủy đậu, tay chân miệng, viêm màng não… cũng rất phổ biến trong thời tiết đông xuân.

Bố mẹ nên:

  • Hướng dẫn trẻ rửa tay với xà phòng sau khi từ ngoài đường về nhà, sau khi ho hoặc hắt hơi, sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn. Rửa tay sẽ tiêu diệt và ngăn ngừa lây nhiễm mầm bệnh cho trẻ.
  • Cho bé đeo khẩu trang khi đi đường và ở các địa điểm đông người. Khẩu trang không chỉ là biện pháp giữ ấm cho mũi, miệng của trẻ mà còn giảm bớt nguy cơ tiếp xúc với mầm bệnh.
  • Mặc đủ quần áo ấm cho trẻ, đặc biệt khi di chuyển ngoài trời liên tục và trong thời tiết mưa lạnh. Chú ý giữ ấm tai (đội mũ, đeo bịt tai), mũi và miệng (khẩu trang), cổ (khăn quàng) và tay chân (găng tay, tất chân).
  • Tăng cường sức đề kháng cho trẻ bằng chế độ ăn uống lành mạnh, nhiều rau xanh và hoa quả.
Mặc ấm và đeo khẩu trang khi đưa trẻ đi chơi Tết

Tiêu hóa khỏe – Ăn Tết ngon

Đau bụng, khó tiêu, tiêu chảy và táo bón là vấn đề thường gặp với trẻ trong ngày Tết. Sở dĩ như vậy vì mâm cơm ngày Tết của người Việt thường đầy đặn tinh bột và chất đạm mà khiêm tốn rau xanh, hoa quả. Từ đó dẫn đến tình trạng bụng trẻ ậm ạch, khó chịu, giảm cảm giác ngon miệng, thậm chí khóc thét trong nhà vệ sinh vì táo bón.

Giờ giấc ăn uống của trẻ trong những ngày Tết cũng bị xáo trộn. Trẻ thường ăn sáng muộn hoặc không ăn sáng, bữa trưa và bữa sáng có lúc dồn một, đôi khi hai bữa ăn lại quá sát nhau. Hậu quả là trẻ bị khó tiêu do hệ tiêu hóa hoạt động quá tải.

Bên cạnh đó, Tết thường là dịp trẻ được thỏa thích tận hưởng bánh kẹo, mứt tết – những món ăn chứa nhiều đường. Điều này cũng là một nguyên nhân khiến trẻ đầy bụng, không muốn ăn các bữa ăn chính nữa.

Bố mẹ nên:

  • Sắp xếp giờ ăn hợp lý. Cả gia đình cùng dậy sớm để ăn sáng nhẹ nhàng, không ăn trưa quá sớm hoặc quá muộn.
  • Hạn chế mua đồ ngọt ngày Tết. Thay vào đó, bạn hãy mua các loại hạt (hạt bí, hạt dưa, hạt điều, hạnh nhân, mắc-ca, óc chó…) và các loại bánh kẹo ít ngọt, được làm từ ngũ cốc, bột mì nguyên cám…
  • Tăng cường rau xanh và hoa quả vào mâm cơm hàng ngày. Hoa quả là lựa chọn tốt để vừa mời khách và cho trẻ ăn vặt thay cho bánh kẹo.
  • Cho trẻ ăn hoặc uống sữa chua hàng ngày để tăng cường lợi khuẩn, hỗ trợ hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn.
  • Nấu thức ăn vừa đủ, đậy kín thức ăn, tránh ruồi đậu, bảo quản đồ ăn thừa trong tủ lạnh, giảm thiểu được nguy cơ tiêu chảy, ngộ độc thực phẩm, đồng thời không lãng phí đồ ăn.
Bữa ăn có nhiều rau xanh và hoa quả rất thân thiện với đường ruột

Đừng đảo lộn chế độ sinh hoạt của trẻ

Trong ngày nghỉ Tết, với tâm lý không phải đi học, nhiều trẻ thường thức khuya và dậy muộn. Giấc ngủ trưa cũng hay bị cắt giảm do trẻ ngủ nướng vào buổi sáng hoặc gia đình đi chơi, đi chúc tết cả ngày. Sự xáo trộn trong chế độ ngủ nghỉ sẽ khiến trẻ mệt mỏi, cáu gắt và suy giảm sức đề kháng. Khi đó, trẻ càng dễ nhiễm bệnh hơn.

Bố mẹ nên:

  • Khuyến khích trẻ ngủ sớm và dậy đúng giờ giống như ngày thường. Như vậy vừa đảm bảo sức khỏe, vừa giúp trẻ dễ dàng quay lại nếp sinh hoạt sau kỳ nghĩ lễ.
  • Không nên xếp lịch đi chơi dày đặc cả ngày. Thay vào đó, hãy cho trẻ thời gian nghỉ và ngủ giấc ngắn trong ngày.

Chúc gia đình bạn có kỳ nghỉ Tết Quý Mão thật đầm ấm và trọn vẹn!

Hạnh Trang

Hạnh Trang tốt nghiệp chuyên ngành Bác sĩ Đa khoa và hiện đang là cây viết chuyên nghiệp trong lĩnh vực Sức khỏe Phụ nữ - Trẻ em. Ba giá trị mà cô luôn đề cao trong các bài viết của mình là: tin cậy, gần gũi và hữu ích.

Bài viết cùng chủ đề

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

error: Content is protected !!