Con khỏe mạnh – Mẹ an yên

Cùng trẻ vận động tại nhà mùa dịch COVID-19

“Trang ơi, làm sao bây giờ, bé nhà chị nghỉ giãn cách ở nhà mấy tháng mà tròn ra trông thấy”. Đó là tâm sự của một vị phụ huynh gửi tới mình cách đây không lâu. Và mình tin rất nhiều gia đình cũng đang vướng phải tình huống như vậy. Trong thời gian dịch bệnh, bên cạnh chế độ dinh dưỡng hợp lý, khuyến khích trẻ vận động tại nhà cũng là hoạt động quan trọng mà bố mẹ cần chú ý.

Nội dung chính

Vai trò của vận động với trẻ em trong mùa dịch

Hoạt động thể lực đóng vai trò quan trọng với sự phát triển của trẻ và càng cần thiết hơn trong thời gian dịch bệnh bùng phát.

Vận động thể lực giúp trẻ phát triển chiều cao và hỗ trợ hệ cơ xương chắc khỏe. Tập thể dục cũng là hoạt động tiêu hao năng lượng dư thừa, từ đó phòng tránh thừa cân, béo phì ở trẻ em. Đại dịch có thể thu hẹp cơ hội đi chơi của gia đình nhưng đâu thể cản bước con lớn lên từng ngày phải không?

Ngoài ra, nhiều nghiên cứu đã chứng minh hoạt động thể chất giúp tăng cường chức năng hô hấp, thúc đẩy hoạt động của các tế bào bạch cầu – những người chiến sĩ giúp trẻ chiến đấu và chiến thắng vi khuẩn, virus. Tác dụng này đặc biệt quan trọng với bé và cả gia đình khi dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp.

Bên cạnh đó, vận động thể chất còn là liều thuốc tuyệt vời cho tinh thần. Tập thể dục giúp trẻ ăn ngon, ngủ sâu, ngăn ngừa các rối loạn tâm lý như lo âu, trầm cảm. Lợi ích rõ ràng nhất mà bố mẹ có thể tự kiểm chứng là vận động giúp trẻ thư giãn sau những giờ học online căng thẳng. Bé cũng đỡ buồn chán, “cuồng chân cuồng tay” trong những ngày “bị giam” tại nhà.

lợi ích khi trẻ vận động tại nhà
Vận động thể lực rất quan trọng với sức khỏe của trẻ, đặc biệt trong mùa dịch

Hoạt động thể chất phù hợp với trẻ em trong mùa dịch

Để tìm được hoạt động thể chất phù hợp với trẻ trong mùa dịch, bạn cần dựa vào 4 tiêu chí sau: độ tuổi của trẻ, không gian trong nhà, dụng cụ tập luyện có sẵn và sở thích của trẻ.

Độ tuổi của trẻ

Định nghĩa hoạt động thể chất và thời gian cần dành cho hoạt động này ở mỗi lứa tuổi sẽ khác nhau.

Với trẻ 0 – 5 tuổi, cơ thể cứ di chuyển, cử động sẽ được tính là hoạt động thể chất. Ví dụ như chạy nhảy, leo trèo, hát múa, chơi đồ hàng, trốn tìm… Bố mẹ nên cho bé trong độ tuổi 0 – 5 tuổi vận động ít nhất 3 giờ mỗi ngày.

Các hoạt động phù hợp với lứa tuổi này là: đi bộ, vượt chướng ngại vật, nhảy dây, múa hát, đạp xe, chuyền bóng… Ngoài ra, các trò chơi như bịt mắt bắt dê, rồng rắn lên mây, xếp gỗ… cũng là lựa chọn thú vị.

Khác với trẻ nhỏ, hoạt động thể chất ở trẻ từ 5 – 18 tuổi là những bài tập có cường độ vừa và mạnh, tức là trẻ phải toát mồ hôi, thở nhanh và tim đập mạnh. Lứa tuổi này chính là giai đoạn bắt đầu và lười vận động nhất. Theo trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ và Chính phủ Anh quốc, trên 5 tuổi và thanh thiếu niên cần hoạt động thể lực ít nhất 60 phút hàng ngày kèm theo các bài tập phát triển cơ xương 3 lần mỗi tuần.

Các bài tập cường độ vừa và mạnh phù hợp để trẻ tham gia hàng ngày bao gồm chạy bộ, thể dục nhịp điệu, yoga, đạp xe, bóng đá, bóng rổ, cầu lông… Những bài tập giúp xương chắc khỏe và tăng sức mạnh của hệ cơ là nhảy dây, đu xà, tập gym, chống đẩy…

bài tập cho trẻ vận động tại nhà theo lứa tuổi
Bố mẹ nên lựa chọn hoạt động thể lực phù hợp với lứa tuổi của trẻ

Không gian trong nhà

Nếu nhà bạn có sân vườn rộng hoặc sân thượng thì trẻ có nhiều không gian để thực hiện các hoạt động ngoài trời như đạp xe, bóng đá, cầu lông, nhảy dây… Tuy nhiên, nếu ngôi nhà của bạn không có nhiều không gian mở thì bạn nên tập dụng ban công hoặc khoảng trống trong phòng sinh hoạt chung. Lúc này, những bài tập “ít tốn diện tích” như yoga, thể dục nhịp điệu, nhảy múa, tập võ… sẽ phù hợp hơn.

Tận dụng vật dụng có sẵn tại nhà

Bạn nên tận dụng những món đồ chơi hoặc dụng cụ thể thao có sẵn trong nhà như xe đạp, quả tạ nhỏ, bộ cầu lông, bóng đá, bộ xếp hình, thanh rút gỗ… Nếu không có, hãy ưu tiên những trò chơi và bộ môn không cần dụng cụ chuyên biệt như rồng rắn lên mây, cá sấu lên bờ, kéo cưa lừa xẻ, trốn tìm, thể dục nhịp điệu, yoga, tập võ, nhảy múa…

Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng những đồ vặt có sẵn trong nhà để chế tạo trò chơi cho trẻ. Chẳng hạn: nhảy lò cò, thả bóng xuống ống, bowling tại gia, vượt ma trận dây, truy tìm báu vật, đường đua bằng giấy, cô Tấm thời nay, xây tháp bằng cốc…

Mặt khác, bạn có thể hướng dẫn trẻ thực hiện những việc nhà đơn giản như lau bàn, tưới cây, gấp quần áo, quét nhà… Biện pháp này vừa giúp trẻ hoạt động thể chất vừa có thể dạy trẻ cách giúp đỡ bố mẹ.

tận dụng đồ vật trong nhà để tạo thành trò chơi và bài tập cho trẻ
Một số trò chơi và bài tập dễ thực hiện tại nhà cho trẻ

Sở thích của trẻ

Mỗi đứa trẻ có một sở thích và khả năng vận động khác nhau. Có trẻ sinh ra đã thích chạy nhảy và các môn thể thao đối kháng. Với những trẻ, bố mẹ không cần mất thời gian và công sức để thúc giục trẻ vận động. Nhưng cũng có những trẻ không đam mê hoạt động thể lực hoặc chỉ thích những bài tập nhẹ nhàng như yoga hoặc nhiều âm nhạc khi tập nhảy, tập múa. Vì thế, bố mẹ hãy chú ý quan sát để phát hiện được sở thích của con, từ đó cùng con lựa chọn bài tập phù hợp nhé!

Người lớn chúng ta đều hiểu vai trò của vận động đối với sức khỏe trẻ em. Tuy nhiên, không dễ để khuyến khích trẻ tăng cường hoạt động thể chất khi những thiết bị điện tử luôn kề bên và nhiệt tình mời gọi trẻ. Vì vậy, bố mẹ hãy là người tiên phong thay vì chỉ thúc ép trẻ bằng lời nói. Hãy cùng con tập thể dục để cả nhà cùng khỏe mạnh và thắt chặt tình cảm gia đình nhé!

Hạnh Trang

Hạnh Trang tốt nghiệp chuyên ngành Bác sĩ Đa khoa và hiện đang là cây viết chuyên nghiệp trong lĩnh vực Sức khỏe Phụ nữ - Trẻ em. Ba giá trị mà cô luôn đề cao trong các bài viết của mình là: tin cậy, gần gũi và hữu ích.

Bài viết cùng chủ đề

1 Comment

  1. […] Hoạt động thể chất đã được chứng mình rằng sẽ giúp mọi người ở tất cả lứa tuổi đi vào giấc ngủ nhanh hơn và ngon hơn. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ, hầu hết trẻ em cần vận động ít nhất 60 phút mỗi ngày. Ba mẹ hãy khuyến khích trẻ chơi môn thể thao yêu thích như bóng đá, cầu lông, bóng rổ… hoặc tham gia các hoạt động vui chơi ngoài trời cùng gia đình, bạn bè. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý tránh cho bé hoạt động thể lực cường độ mạnh trước giờ đi ngủ vì sẽ kích thích não bộ, khiến trẻ khó vào giấc hơn. […]

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

error: Content is protected !!