Con khỏe mạnh – Mẹ an yên

Vì sao con ăn nhiều mà không tăng cân?

Biếng ăn dẫn đến gầy còm thì không khó hiểu. Nhưng vì sao con ăn bú tốt hoặc ăn ngon miệng, đủ bữa mà cân nặng vẫn không tăng lên? Dưới đây là 8 nguyên nhân phổ biến nhất mà mẹ nên biết.

Nội dung chính

Bú mẹ sai cách

Tại sao bé bú mẹ chậm tăng cân? Nguyên nhân hàng đầu là do bú mẹ sai cách. Nhiều bà mẹ cho con bú 12 – 15 cữ một ngày mà cân nặng của trẻ vẫn không xê dịch chút nào. Hiện tượng này khiến nhiều bà mẹ nghĩ rằng sữa mẹ không tốt và vội vàng cho con chuyển sang ăn sữa công thức.

Tuy nhiên, nguyên nhân không nằm ở chất lượng sữa mẹ mà là vì bạn chưa biết cách cho trẻ bú. Tư thế không thoải mái hoặc trẻ không ngậm hết được quầng vú của mẹ khiến bé không thể bú thuận lợi. Ngoài ra, bú lặt vặt vài hơi rồi nhả ra cũng là sai lầm phổ biến của nhiều bà mẹ. Trong những nhát bú đầu tiên, trẻ chỉ nhận được sữa đầu với thành phần chủ yếu là đường đơn. Phải sau vài phút trẻ ngậm mút đầu vú, sữa giàu protein và chất béo mới được tiết xuống. Đây mới là nguồn sữa dồi dào năng lượng và chất dinh dưỡng cần thiết cho trẻ.

Trẻ sinh non

Trẻ sinh non là những trẻ có tuổi thai dưới 37 tuần. Cơ thể của trẻ sinh non chưa phát triển hoàn thiện. Khả năng bút mút kém, thể tích dạ dày nhỏ, các enzym tiêu hóa cũng chưa hoạt động tốt. Do đó, trẻ đẻ non thường tăng trưởng chậm hơn những bé đồng trang lứa.

Mặt khác, trẻ sinh non thường phải đối mặt với nhiều bệnh lý nguy hiểm như suy hô hấp, nhiễm trùng, viêm ruột hoại tử… Những vấn đề này càng góp phần cản trở cân nặng của bé phát triển.

Trẻ có dị tật bẩm sinh

Hội chứng Down, sứt môi hở hàm ếch, tim bẩm sinh… đều là những dị tật bẩm sinh nghiêm trọng ở trẻ em. Những hội chứng này không chỉ ảnh hưởng tới tuổi thọ, sức khỏe lâu dài của trẻ mà còn khiến trẻ gặp nhiều vấn đề liên quan đến dinh dưỡng. Chẳng hạn, trẻ sứt môi hở hàm ếch thường ăn uống khó, dễ bị sặc. Trẻ mắc tim bẩm sinh thường mệt mỏi, hay bị viêm phổi và biếng ăn. Vì vậy, những trẻ này thường gầy còm và chậm tăng cân.

Bữa ăn không đầy đủ và cân bằng dinh dưỡng

Trẻ ăn tốt nhưng nếu bữa ăn chỉ toàn cơm chan nước rau luộc thì cũng không thể đảm bảo tốc độ tăng trưởng phù hợp theo lứa tuổi. Những trẻ kén ăn, không chịu ăn thịt sẽ không có đủ chất đạm để xây dựng khung xương và cơ bắp. Nếu bữa ăn không có đủ chất béo thì não bộ của trẻ cũng không thể phát triển và hoạt động tốt. Do đó, trẻ em cần được cung cấp đầy đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng: đường bột, protein, chất béo, vitamin và khoáng chất. Có như vậy, cơ thể trẻ mới có thể tăng trưởng khỏe mạnh và bình thường.

Trẻ ăn vặt quá nhiều

Nếu trẻ ăn nhiều, ăn liên tục nhưng chỉ ăn quà vặt mà bỏ qua các bữa chính thì cũng không thể cải thiện được cân nặng. Đồ ăn vặt như bim bim, bánh kẹo, nước ngọt chủ yếu chỉ chứa đường và muối. Những chất này nhanh chóng lấp đầy dạ dày của trẻ và khiến trẻ nhanh no. Đó là lý do tại sao trẻ ăn quà vặt nhiều thường không chịu ăn cơm. Những trẻ này sẽ không nhận đủ chất đạm, chất béo, các vitamin và khoáng chất nên cơ thể không thể phát triển tốt. Vì vậy, bố mẹ hãy áp dụng 10 mẹo sau để chấm dứt tình trạng ăn vặt ở trẻ.

Trẻ bị ốm kéo dài

Nếu trẻ bị viêm tai giữa, viêm phổi nhiều lần hoặc mắc tiêu chảy kéo dài thì dù ăn tốt đến mấy, trẻ cũng không thể tăng cân được. Khi bị ốm, cơ thể tiêu hao nhiều năng lượng để kích thích các tế bào miễn dịch hoạt động, giúp trẻ chống chọi lại bệnh tật. Hơn nữa, trong thời gian bị ốm, hệ tiêu hóa của trẻ cũng bị ảnh hưởng. Trẻ sẽ ăn ít đi, dạ dày và ruột kém hấp thu thức ăn hơn.

Cơ thể thiếu chất

Hậu quả của tình trạng ăn vặt quá nhiều, bữa ăn không cân bằng dinh dưỡng hoặc trẻ bị ốm kéo dài là cơ thể thiếu hụt nhiều vi chất quan trọng: sắt, kẽm, đồng, mangan, lysin, vitamin A, B, C, D… Những vi chất này tuy chỉ cần một lượng nhỏ nhưng nếu thiếu hụt, trẻ không thể phát triển tốt được.

Cụ thể, niêm mạc ruột cần kẽm và vitamin B để tái tạo lớp tế bào mới, từ đó hấp thu đầy đủ chất dinh dưỡng từ thức ăn. Kẽm, lysin cũng góp phần thúc đẩy cảm giác ngon miệng của bé. Ngoài ra, sắt, vitamin A, C, D còn đảm bảo trẻ có hệ miễn dịch tốt, tạo tiền đề thuận lợi để bé bắt kịp tốc độ tăng trưởng bình thường.

Không tẩy giun thường xuyên

Trẻ em là đối tượng dễ nhiễm giun sán vì thói quen hay đưa tay, chân hoặc đồ chơi lên miệng. Ngoài ra, các bé cũng chưa chú ý và tuân thủ nghiêm túc vệ sinh tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Do đó, giun sán dễ xâm chiếm và gây hại cho đường ruột của trẻ.

Giun sán kí sinh tại ruột sẽ tranh cướp thức ăn, khiến trẻ không thu nhận đủ các chất dinh dưỡng mặc dù trẻ ăn rất nhiều. Mặt khác, các vi sinh vật gây hại này cũng làm tổn thương niêm mạc ruột, gây chảy máu âm ỉ, kéo dài. Từ đó, càng khiến cơ thể trẻ bị mất dưỡng chất và không thể tăng cân.

Do đó, trẻ trên 2 tuổi nên uống thuốc tẩy giun 6 tháng/ lần. Không những vậy, cả gia đình cũng cần được tẩy giun định kỳ vì giun sán có thể lây lan giữa các thành viên thông qua đường phân – miệng.

Hạnh Trang

Hạnh Trang tốt nghiệp chuyên ngành Bác sĩ Đa khoa và hiện đang là cây viết chuyên nghiệp trong lĩnh vực Sức khỏe Phụ nữ - Trẻ em. Ba giá trị mà cô luôn đề cao trong các bài viết của mình là: tin cậy, gần gũi và hữu ích.

Bài viết cùng chủ đề

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

error: Content is protected !!