Trẻ khóc thét, lắc đầu quầy quậy khi nhìn thấy bát bột hoặc mím môi, dùng tay bịt miệng rồi phun phì phì thức ăn ra ngoài. Ông bà múa hát, vỗ tay, bố giữ đầu rồi mẹ nhanh chóng nhét thìa cháo vào miệng con. Nếu bạn đang nuôi con nhỏ, chắc hẳn khung cảnh này không hề xa lạ. Biếng ăn là vấn đề phổ biến ở trẻ em và khiến nhiều gia đình lo lắng. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể khắc phục tình trạng lười ăn của trẻ mà không cần dùng thuốc. Với 10 mẹo giúp trẻ ăn ngon sau đây, chắc chắn bữa ăn của con sẽ trở nên vui vẻ và nhẹ nhàng.
Nội dung chính
Cho trẻ ăn theo nhu cầu
Mỗi đứa trẻ có nhu cầu dinh dưỡng khác nhau, phụ thuộc vào bộ gen, độ tuổi, tình trạng sức khỏe và sở thích cá nhân. Do đó, lượng thức ăn trẻ tiếp nhận hàng ngày không giống với anh chị em hay bạn bè đồng trang lứa. Vì thế, thay vì ép trẻ ăn thật nhiều giống như “con nhà người ta”, bố mẹ hãy tinh tế quan sát và nhận biết dấu hiệu no đói của trẻ, từ đó giúp trẻ ăn đủ theo đúng nhu cầu của mình.
Dấu hiệu trẻ đói bụng bao gồm: môi trẻ chu ra, mút chùn chụt, trẻ liếm môi, tìm kiếm bầu vú của mẹ hoặc chảy nhiều nước bọt. Ngược lại, khi đã ăn no, trẻ thường mím môi, lắc đầu, ngậm thức ăn lâu trong miệng mà không chịu nuốt. Lúc này, bố mẹ nên dừng lại. Tiếp tục ép trẻ ăn có thể khiến trẻ nôn trớ, khó tiêu hóa, ảnh hưởng tới quá trình hấp thu các chất dinh dưỡng và nỗi sợ thức ăn của con càng trầm trọng hơn.

Thường xuyên thay đổi thực đơn cho trẻ
Bạn thích ăn thịt bò nhưng nếu bữa nào cũng có món này thì sao? Chắc chắn thang điểm yêu thích sẽ sụt giảm từ hào hứng xuống thờ ơ rồi chuyển sang chán ngấy đúng không? Bé yêu cũng vậy. Đừng chỉ cho trẻ ăn cháo cá hồi vì món ăn này thơm ngon và nhiều chất dinh dưỡng. Cháo thịt bò rất nhiều sắt, cháo tôm, cháo sườn cũng rất tốt cho trẻ. Thường xuyên thay đổi thực đơn không chỉ tạo sự mới lạ, kích thích cảm giác thèm ăn của trẻ mà còn cung cấp đa dạng các chất dinh dưỡng và giúp trẻ tiếp cận với nhiều loại thực phẩm hơn.
Chế biến bữa ăn sặc sỡ, đáng yêu
Trẻ em dễ bị thu hút bởi màu sắc rực rỡ và những hình ảnh đáng yêu. Do đó, một mẹo giúp trẻ ăn ngon miệng hơn mà bố mẹ nên áp dụng là “làm màu” cho bữa ăn. Bạn có thể sử dụng nhiều loại thực phẩm có màu sắc sặc sỡ như trứng, cà rốt, bí đỏ, rau cải, súp lơ… rồi sắp xếp thành hình con vật đáng yêu. Chẳng hạn, món cơm nắm hình chú thỏ, xúc xích hình bạch tuộc hoặc đĩa hoa quả hình con công… Chỉ cần bỏ thêm một chút thời gian và công sức để trang trí là món ăn đã trở nên hấp dẫn hơn nhiều rồi.

Để bé cùng bố mẹ chuẩn bị bữa ăn
Bé yêu chắc chắn rất hào hứng nếu được cùng bố mẹ chuẩn bị bữa ăn cho gia đình. Bố mẹ có thể cho bé cùng đi chợ, vào bếp và tham gia nấu nướng. Nếu con còn bé, bố mẹ có thể mua những vật dụng làm bếp với kích thước nhỏ để trẻ chơi trò nấu ăn. Khi bé lớn hơn một chút, hãy cho phép con phụ giúp những việc vặt như vo gạo, nhặt rau, sắp xếp bát đũa… Trong quá trình chuẩn bị, bạn có thể kể cho con về các loại thực phẩm có trong bữa ăn. Với mẹo này, bố mẹ vừa dạy bé cách biết quý trọng thực phẩm, vừa giúp bé thích thú với bữa ăn hơn.
Bữa ăn không tivi, điện thoại và đồ chơi
Nhiều phụ huynh có con biếng ăn đã chọn cách cho trẻ vừa ăn vừa xem tivi, điện thoại hoặc nghịch đồ chơi. Cách này giúp phân tán sự chú ý của trẻ, từ đó, bố mẹ có thể cho trẻ ăn nhanh hơn và nhiều hơn.
Tuy nhiên, biện pháp này thực sự không có lợi cho thói quen ăn uống và sức khỏe của trẻ. Chính sự thiếu tập trung càng khiến trẻ không chịu nuốt và ngậm thức ăn rất lâu trong miệng. Ngược lại, một số trẻ có thể ăn nhanh hơn nhưng không cảm nhận được hương vị của món ăn, không nhai kỹ thức ăn và không biết bản thân đã no hay chưa. Hậu quả là dạ dày của trẻ phải làm việc nhiều hơn để nghiền nhỏ thức ăn, quá trình hấp thu chất dinh dưỡng cũng bị ảnh hưởng. Đặc biệt, khi không nhận biết được tín hiệu no đói của cơ thể, trẻ không thể kiểm soát lượng thức ăn trong tương lai của mình. Đây chính là một nguyên nhân quan trọng dẫn tới thừa cân, béo phì ở trẻ em giai đoạn mẫu giáo và học đường.
Vì vậy, trong bữa ăn, bố mẹ nên tắt tivi, điện thoại và cất đồ chơi khỏi tầm quan sát của trẻ. Có như vậy, trẻ mới tập trung cảm nhận mùi thơm, vị ngon của món ăn chứ không chỉ nghiền nhỏ thức ăn như một cái máy.

Cho trẻ ngồi ngay ngắn khi ăn
Tư thế ăn của trẻ ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động tiêu hóa thức ăn. Tư thế ngồi ngăn ngắn, thẳng lưng trên ghế có phần tựa sẽ giúp thực quản, dạ dày và ruột của trẻ giãn nở tốt hơn. Nhờ đó, hoạt động phân cắt thức ăn và hấp thu dưỡng chất cũng dễ dàng hơn đồng thời hạn chế tình trạng đầy hơi, chướng bụng và rối loạn tiêu hóa. Kết quả là trẻ ăn uống ngon miệng, tăng cân và đuổi kịp tốc độ tăng trưởng bình thường.
Xây dựng bữa ăn vui vẻ
“Con không ăn là bác sĩ sẽ đến tiêm vào chân đấy!”, “Chú công an ơi, nó không chịu ăn, chú đến bắt nó đi!”… Nghe quen không? Bạn đã từng dọa nạt hay quát mắng con như thế này chưa?
Phương pháp này thoạt nghe có vẻ hữu ích vì khiến trẻ sợ hãi và buộc phải há miệng. Tuy nhiên, nỗi sợ này lâu dần sẽ ăn sâu và ám ảnh trẻ. Thay vì hào hứng, trẻ sẽ hoảng sợ khi nhìn thấy đồ ăn. Thậm chí một số trẻ còn phản ứng lại bằng cách chống đối bố mẹ. Bởi vậy, bạn không nên quát mắng, dọa nạt trẻ trong bữa ăn. Thay vào đó, bạn hãy khuyến khích trẻ bằng những câu khen ngợi như “Bé con ăn giỏi quá!” hay “ Bé nói A để mẹ đưa ‘máy bay chở cơm’ vào nào!”. Không khí vui vẻ không chỉ giúp trẻ ăn ngon miệng hơn mà còn gắn kết tình cảm gia đình.

Cho trẻ ăn cùng bạn bè
Trẻ em thường có xu hướng ăn ngon miệng hơn khi có “đồng bọn” ăn cùng. Cách này không chỉ tạo được bầu không khí vui vẻ, kết nối các bé với nhau mà còn khuyến khích tính tự lập của trẻ. Vì vậy, bên cạnh những bữa ăn với gia đình, bạn có thể cho trẻ ăn cùng bạn bè đồng trang lứa nhé!
Sắp xếp bữa phụ khoa học
Trẻ em thường có 2 – 3 bữa phụ trong ngày. Cho trẻ ăn bữa phụ không sai, thậm chí còn cần thiết. Tuy nhiên, nếu bạn cho trẻ ăn bữa phụ quá gần bữa chính hoặc các món trong bữa phụ không hợp lý thì tình trạng biếng ăn ở bé có thể trầm trọng hơn.
Thời điểm tốt nhất mà bố mẹ có thể cho trẻ ăn bữa phụ là cách bữa chính 2 – 3 giờ. Thực đơn bữa phụ nên ưu tiên sữa, sữa chua, hoa quả, ngũ cốc. Nếu bạn muốn cho trẻ ăn bánh trong bữa phụ thì nên tự làm bánh ở nhà với các nguyên liệu lành mạnh như yến mạch, bột nguyên cám, cà rốt, bí đỏ… Không nên cho trẻ ăn bánh kẹo mua sẵn, nước có ga vì nhiều đường, không tốt cho răng miệng, cân nặng và càng khiến tình trạng biếng ăn khó xử lý hơn.
Tìm hiểu thêm tác hại của đồ ngọt với sức khỏe trẻ em.

Khuyến khích trẻ vận động nhiều hơn
Ngày nay, trẻ em thường ít vận động và bị cuốn hút bởi các chương trình thiếu nhi, trò chơi điện tử trên tivi, điện thoại, máy tính… Thói quen ngồi một chỗ với các thiết bị điện tử gây ra nhiều tác động xấu tới sức khỏe của trẻ, trong đó có biếng ăn.
Để tránh xa những tác hại này, bố mẹ hãy khuyến khích trẻ chơi các bộ môn thể thao như bóng rổ, bơi lội, bóng đá,… Hoặc đơn giản, bạn có thể động viên trẻ tham gia các hoạt động, trò chơi ngoài trời cùng bạn bè. Đây là cách hiệu quả để trẻ đốt cháy năng lượng, hấp thu chất dinh dưỡng, tăng cân tốt và có được cảm giác thèm ăn tự nhiên.
Hi vọng 10 mẹo giúp trẻ ăn ngon trên đây sẽ giúp bố mẹ bớt rối bời trước tình huống con lười ăn, kén ăn.
Tài liệu tham khảo
[…] 10 mẹo giúp bé ăn ngon miệng hơn. […]
[…] Trước tiên, mẹ cần hiểu rằng sản phẩm hỗ trợ bé ăn ngon là thực phẩm chức năng chứ không phải thuốc điều trị và cũng không thay thế được các biện pháp tâm lý – dinh dưỡng. […]
[…] ăn ở trẻ trong giai đoạn đầu. Tuy nhiên, mẹ đừng quên kết hợp với các biện pháp dinh dưỡng – tâm lý để chấm dứt hoàn toàn tình trạng biếng ăn ở con […]