Con khỏe mạnh – Mẹ an yên

Đừng quên mang những thuốc này khi đưa trẻ về quê đón Tết

Đầu xuân năm mới là dịp trẻ em dễ bị ốm. Có trẻ bị ho khi thay đổi thời tiết từ miền Nam ấm áp về xứ Bắc rét buốt. Có trẻ bị đầy bụng, táo bón sau những bữa cơm nhiều bánh chưng, nem giò và bánh kẹo. Cũng có khi trẻ bị ngã, bị sốt, bị dị ứng… Mà gõ cửa từng hiệu thuốc trong ngày Tết không phải lúc nào cũng dễ dàng, đặc biệt ở các vùng quê xa xôi. Vì vậy, hành lý về quê đón năm mới của cả gia đình không thể thiếu các loại thuốc dưới đây.

Nội dung chính

Dung dịch sát khuẩn tay nhanh

Tiết trời đông xuân là điều kiện lý tưởng để mầm bệnh lây truyền. Hơn nữa, trong dịp Tết, trẻ phải tiếp xúc với nhiều khách đến chơi nhà cũng như được bố mẹ đưa đi chơi ở các địa điểm đông người. Vì vậy, dung dịch sát khuẩn tay nhanh sẽ là trợ thủ hữu ích để ngăn ngừa lây nhiễm vi khuẩn, vi-rút. Bố mẹ nên chuẩn bị những lọ sát khuẩn nhỏ gọn để tiện mang theo người, bỏ vào túi xách và sử dụng mọi lúc, mọi nơi.

Nhiệt kế và thuốc hạ sốt Paracetamol

Thay vì dùng tay chạm, sờ lên da của trẻ để xem con có bị sốt hay không, bố mẹ hãy sử dụng nhiệt kế. Nhiệt kế là phương pháp chính xác và khách quan để kiểm tra nhiệt độ của con. Bạn có thể lựa chọn nhiệt kế thủy ngân hoặc nhiệt kế điện tử. Nếu dùng nhiệt kế thủy ngân, hãy bảo quản cẩn thận để tránh nhiệt kế bị nứt, vỡ trong quá trình di chuyển.

Bên cạnh nhiệt kế, bạn cũng cần chuẩn bị thêm thuốc hạ sốt Paracetamol. Đây là loại thuốc hạ sốt phổ biến, có thể dùng dạng đặt đít, siro hoặc viên sủi, tùy theo độ tuổi của bé. Lưu ý, không nên mua và tự ý sử dụng thuốc hạ sốt Ibuprofen vì cần đánh giá xét nghiệm máu của trẻ trước khi sử dụng.

Men vi sinh và Oresol

Chế độ ăn giàu tinh bột và chất đạm trong những ngày Tết khiến nhiều trẻ bị đầy bụng và khó tiêu. Bên cạnh đó, trẻ còn ăn ít rau xanh và hoa quả. Hậu quả là trẻ bị táo bón. Lúc này, bố mẹ có thể cho con uống men vi sinh để cân bằng lại hệ vi sinh đường ruột, giúp bụng trẻ dễ chịu và tiêu hóa tốt hơn.

Trong trường hợp trẻ bị tiêu chảy, bố mẹ nên cho trẻ uống dung dịch Oresol để phòng ngừa mất nước và điện giải. Ngoài ra, Oresol cũng có thể sử dụng khi trẻ bị sốt.

Thuốc nhỏ mũi

Bố mẹ hãy chuẩn bị sẵn những lọ nước muối sinh lý 0,9% loại nhỏ hoặc thuốc xịt mũi để sử dụng khi bé sụt sùi, chảy nước mũi. Cách này giúp làm sạch dịch tiết trong mũi để trẻ thở dễ dàng hơn.

Thuốc giảm ho và thuốc long đờm

Thuốc long đờm hay thuốc tiêu đờm được sử dụng khi trẻ ho có đờm. Khi uống loại thuốc này, trẻ sẽ dễ dàng khạc/ nôn được đờm ra ngoài. Ngược lại, thuốc giảm ho được sử dụng khi trẻ ho khan quá nhiều, ho khiến trẻ mất ngủ, ăn kém. Bố mẹ cần lưu ý rằng, nhiều loại thuốc giảm ho chống chỉ định với trẻ dưới 2 tuổi. Vì vậy, bố mẹ nên tham khảo ý kiến của bác sĩ, dược sĩ trước khi cho trẻ sử dụng.

Băng dán Urgo, bông gạc, Betadine hoặc Oxy già

Các dụng cụ sơ cứu vết thương ngoài da sẽ rất hữu ích khi bé chạy nhảy, nô đùa mà bị vấp ngã, xước tay, xước chân. Bố mẹ hãy rửa vết thương với nước sạch rồi nhỏ dung dịch Oxy già hoặc Betadine. Sau đó, dán băng Urgo để tránh cho vết thương bị nhiễm bẩn và chà xát với quần áo, gây đau cho trẻ.

Thuốc chống say xe

Nếu gia đình bạn phải di chuyển đường dài về quê mà trẻ lại bị say tàu xe thì bạn có thể chuẩn bị sẵn thuốc cho trẻ. Tuy nhiên, trẻ trên 2 tuổi mới sử dụng được các loại thuốc này. Thậm chí, có loại chỉ được dùng với trẻ trên 8 tuổi. Do đó, khi mua thuốc, bố mẹ nên thông báo với dược sĩ độ tuổi của con để được tư vấn loại thuốc phù hợp.

Thuốc chống dị ứng

Khi về quê đón Tết, một số trẻ xuất hiện tình trạng dị ứng thức ăn, dị ứng thời tiết, dị ứng do tiếp xúc với mạt nhà hoặc phấn hoa. Bố mẹ cần đặc biệt lưu ý vấn đề này nếu trẻ đã được chẩn đoán viêm mũi dị ứng hoặc hen phế quản, trẻ hay bị nổi mẩn đề đay. Trong trường hợp này, bạn nên mang theo thuốc chống dị ứng trong hành lý. Tuy nhiên, giống như thuốc giảm ho và thuốc chống say tàu xe, thuốc chống dị ứng cũng giới hạn độ tuổi sử dụng. Trẻ dưới 1 tuổi, thậm chí dưới 2 tuổi với một số loại, chưa được chứng minh là an toàn khi sử dụng thuốc này.

Với trẻ mắc các bệnh mạn tính như hen phế quản, tim bẩm sinh, suy thận…, bạn nên mang theo các loại thuốc mà trẻ vẫn thường sử dụng. Với người lớn, bố mẹ có thể mang thêm thuốc cảm cúm và thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày.

Chúc gia đình bạn đón Tết vui vẻ và mạnh khỏe nhé!

Hạnh Trang

Hạnh Trang tốt nghiệp chuyên ngành Bác sĩ Đa khoa và hiện đang là cây viết chuyên nghiệp trong lĩnh vực Sức khỏe Phụ nữ - Trẻ em. Ba giá trị mà cô luôn đề cao trong các bài viết của mình là: tin cậy, gần gũi và hữu ích.

Bài viết cùng chủ đề

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

error: Content is protected !!