Con khỏe mạnh – Mẹ an yên

5 mẹo giúp bạn duy trì nguồn sữa mẹ ngọt lành cho bé

Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tự nhiên, chất lượng và phù hợp với hệ tiêu hóa của trẻ nhỏ. Con nên bú mẹ liên tục tới ít nhất 6 tháng tuổi. Tuy nhiên, làm sao để duy trì nguồn sữa mẹ tuyệt vời này? Đó là băn khoăn và nỗi lo của rất nhiều bà mẹ, dù mang thai lần đầu hay đã có kinh nghiệm sinh em bé. Nếu bạn cũng có chung nỗi niềm như vậy, hãy thử áp dụng 5 mẹo hữu ích và đơn giản dưới đây.

Nội dung chính

Cho trẻ ngậm bắt vú đúng

Khi ngậm bắt vú không đúng, trẻ sẽ khó chịu vì không mút được và nhanh chóng kết thúc bữa bú trước khi bầu vú kiệt sữa. Lúc này, cơ thể người mẹ sẽ hiểu nhầm rằng trẻ không cần bú mẹ nữa rồi giảm sản xuất và bài tiết sữa. Vì vậy, mẹ và cần luyện tập cách cho trẻ ngậm bắt vú chính xác để vừa duy trì nguồn sữa, giúp trẻ bú mẹ dễ dàng hơn, vừa hạn chế đau nứt núm vú.

Trước tiên, mẹ hãy chạm núm vú vào môi trẻ và đợi đến khi miệng trẻ mở rộng, rồi nhanh chóng đưa miệng trẻ vào vú. Hãy quan sát những dấu hiệu dưới đây để kiểm tra xem trẻ đã ngậm bắt vú đúng hay chưa.

  • Miệng trẻ mở rộng, trẻ ngậm được cả vùng quầng vú chứ không chỉ núm vú
  • Cằm trẻ chạm vào vú mẹ
  • Môi dưới hướng ra ngoài
  • Mẹ không bị đau khi trẻ bú
Hướng dẫn cho trẻ ngậm bắt vú đúng cách

Tần suất và thời gian cho trẻ bú hợp lý

Bên cạnh ngậm bắt vú đúng, tần suất và thời gian cho trẻ bú cũng ảnh hưởng tới khả năng duy trì nguồn sữa mẹ. Cụ thể là:

  • Mẹ nên cho trẻ bú cả ngày lẫn đêm, từ 8 – 12 bữa trong 24 giờ. Bú thường xuyên giúp cơ thể mẹ duy trì hoạt động tạo sữa, đặc biệt là các bữa bú đêm.
  • Cho trẻ bú đến khi trẻ tự nhả vú ra, ít nhất 15 – 20 phút với mỗi bầu vú. Đây là một trong những dấu hiệu cho thấy trẻ đã bú đủ. Mẹ cũng nên cho trẻ bú hết một bên trước khi chuyển sang bầu vú còn lại.
  • Cho trẻ bú tới 24 tháng tuổi. Sau 6 tháng tuổi, sữa mẹ không cung cấp đủ năng lượng cho trẻ nữa và trẻ cần chuyển sang giai đoạn ăn dặm. Mặc dù vậy, nguồn sữa ngọt lành từ mẹ vẫn là nguồn dinh dưỡng có lợi và không nên bỏ qua.

Vắt sữa thường xuyên

Để cơ thể mẹ liên tục sản xuất và bài tiết sữa, mẹ cần cho trẻ bú thường xuyên. Nhưng nếu trẻ bú kém do bị ốm, sinh non hoặc phải điều trị tại khoa hồi sức, không được bú mẹ trực tiếp thì sao? Lúc này, vắt sữa là biện pháp thay thế hiệu quả. Sau khi vắt, bạn có thể đổ thìa cho trẻ hoặc gửi sữa vào bệnh viện.

Vắt sữa giúp bạn duy trì nguồn sữa khi con không thể bú mẹ trực tiếp

Mẹ có thể vắt sữa bằng máy hoặc tay nhưng trước khi bắt đầu, cần rửa tay và đảm bảo dụng cụ đã được vệ sinh sạch sẽ. Nên đựng sữa trong túi trữ sữa chuyên dụng hoặc chai lọ có nắp kín, bên ngoài ghi ngày tháng vắt sữa. Sữa sau khi vắt có thể bảo quản tại nhiệt độ phòng trong 4h, ngăn mát tủ lạnh 4 ngày hoặc ngăn đá 6 tháng. Không nên để sữa ở cánh cửa tủ lạnh vì đây là vị trí dễ thay đổi nhiệt độ khi đóng mở tủ.

Bạn có thể rã đông sữa mẹ bằng cách để trong ngăn mát tủ lạnh qua đêm, đặt túi/ bình sữa trong một bát nước ấm hoặc dưới vòi nước ấm. Tuyệt đối không rã đông và hâm nóng sữa mẹ bằng lò vi sóng. Sau khi rã đông và làm ấm, nên sử dụng trong vòng 2h và không làm đông lại lần nữa.

Tăng cường tình cảm mẹ con

Trong cơ thể mẹ có một hormone tên là oxytocin. Hormone này có nhiệm vụ giúp sữa chảy ra từ bầu vú của mẹ. Để duy trì nguồn sữa dồi dào, bạn nên tăng cường các biện pháp kích thích sản xuất oxytocin. Một trong những cách hiệu quả là bế, ôm hoặc tiếp xúc da kề da với con. Trong trường hợp con phải điều trị trong bệnh viện, chưa được ghép mẹ ngay, những suy nghĩ yêu thương, tích cực về con vẫn có tác dụng tăng tiết oxytocin.

Vững tin vào nguồn sữa của mình

Bạn biết không, khi bạn lo lắng bản thân không đủ sữa hoặc nguồn sữa của mình không đủ chất lượng, cơ thể sẽ giảm tiết oxytocin. Hậu quả là mẹ sẽ ngày càng ít sữa hơn. Vì vậy, hãy tin tưởng rằng bạn đủ sữa cho con bú và nguồn dinh dưỡng đó đủ chất lượng để con phát triển khỏe mạnh, bất kể ngực to hay nhỏ, cơ thể béo hay gầy.

Bạn hãy tin tưởng rằng mình có đủ sữa cho con bú

Mặt khác, người thân trong gia đình cũng không nên chê bai, thắc mắc hay lo lắng về nguồn sữa mẹ. Thay vào đó, hãy động viên tinh thần để mẹ vững tin vào nguồn sữa của mình, đồng thời hỗ trợ chăm sóc em bé để bà mẹ có thêm thời gian nghỉ ngơi, giảm bớt căng thẳng. Nhờ đó, nguồn sữa sẽ dồi dào hơn.

Chúng ta đều biết sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tuyệt vời dành cho trẻ nhỏ. Tuy nhiên, bạn không nên tôn thờ hay một mực phải nuôi con bằng sữa mẹ. Rất nhiều gia đình cần đến sự hỗ trợ của sữa công thức bởi mỗi em bé có điều kiện sức khỏe khác nhau và mỗi gia đình cũng có hoàn cảnh không giống nhau. Vì vậy, chọn được phương pháp nuôi dưỡng tốt và phù hợp với con mới là điều quan trọng nhất.

Hạnh Trang

Hạnh Trang tốt nghiệp chuyên ngành Bác sĩ Đa khoa và hiện đang là cây viết chuyên nghiệp trong lĩnh vực Sức khỏe Phụ nữ - Trẻ em. Ba giá trị mà cô luôn đề cao trong các bài viết của mình là: tin cậy, gần gũi và hữu ích.

Bài viết cùng chủ đề

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

error: Content is protected !!