Con khỏe mạnh – Mẹ an yên

Truy tìm thủ phạm gây rụng tóc vành khăn ở trẻ em

Khi nhắc tới rụng tóc vành khăn ở trẻ em, nguyên nhân đầu tiên bạn nghĩ tới là gì? Chắc hẳn là thiếu vitamin D đúng không? Tuy nhiên, câu trả lời này chưa hẳn đã chính xác. Hôm nay, bạn hãy cùng mình truy tìm thủ phạm thực sự gây ra hiện tượng này nhé!

Có ba nguyên nhân phổ biến dẫn tới tình trạng rụng tóc diện rộng phía sau gáy ở trẻ em. Thứ nhất, đây là hiện tượng sinh lý ở trẻ nhỏ, tức là hoàn toàn bình thường, giống như vấn đề rụng tóc sau sinh của các bà mẹ. Thứ hai, trẻ rụng nhiều tóc có thể do nóng. Và nguyên nhân cuối cùng là cơ thể trẻ thiếu hụt một hoặc một vài vi chất cần thiết.

Nội dung chính

Rụng tóc vành khăn là hiện tượng bình thường ở trẻ nhỏ

Rụng tóc vùng sau gáy là hiện tượng sinh lý thường gặp ở trẻ 3 – 6 tháng tuổi do thay đổi nội tiết tố trong cơ thể. Trước đây, thai nhi chịu tác động từ các hormone của mẹ suốt 9 tháng 10 ngày. Sau khi ra đời, trẻ mới tự làm chủ hoàn toàn cơ thể của mình. Chính sự thay đổi này đã ảnh hưởng tới tất cả cơ quan, bộ phận của trẻ, trong đó có mái tóc. Cụ thể, mái tóc của bé trở nên dễ gãy rụng hơn.

Bên cạnh đó, trẻ nhỏ chưa cứng cổ nên thường xuyên nằm ngửa. Tư thế nằm này khiến vùng sau gáy của trẻ liên tục cọ xát vào gối, tạo điều kiện cho mái tóc vốn dễ gãy của bé rụng nhiều hơn nữa. Đây cũng chính là lý do vì sao tóc ở vùng đầu sau của trẻ rụng nhiều chứ không phải vùng đỉnh hay thái dương hai bên.

rụng tóc vành khăn ở trẻ em
Rụng tóc vành khăn đa phần là hiện tượng sinh lý bình thường ở trẻ 3 – 6 tháng tuổi

Rụng tóc vành khăn do nóng

Nóng bức không trực tiếp gây ra hiện tượng rụng tóc vành khăn nhưng lại là điều kiện thuận lợi khiến trẻ khó chịu, ngủ không yên giấc và cựa quậy liên tục. Từ đó, vùng tóc sau gáy của bé càng ma sát vào gối nhiều hơn và hiện tượng rụng tóc vành khăn sẽ xuất hiện.

Tâm lý chung của các bố mẹ khi nuôi con nhỏ là sợ trẻ lạnh. Rất nhiều bậc phụ huynh mặc cho con quần áo dày, cuốn con trong những chiếc chăn ấm áp, đóng kín cửa vì sợ gió lùa, không dám bật điều hòa mà chỉ mở quạt mức độ nhẹ nhất.

Tuy nhiên, thật ra nhiệt độ phòng phù hợp với trẻ em là 22 – 23°C, thấp hơn so với ngưỡng bạn nghĩ rất nhiều đúng không? Khi bố mẹ bao bọc trẻ quá kỹ trong lớp chăn và quần áo dày cộm, kèm theo đó là không khí kém lưu thông trong phòng kín, trẻ sẽ bị nóng. Ngoài ra, trang phục và chăn màn vướng víu còn hạn chế trẻ lăn trở. Khi đó, vùng sau gáy của trẻ càng dính chặt vào gối và khiến tóc rụng nhiều hơn.

rụng tóc vành khăn có thể do trẻ bị nóng
Rụng tóc vành khăn có thể do trẻ bị nóng

Vì thế, bố mẹ nên lựa chọn cho trẻ quần áo thoáng mát, thấm hút mồ hôi tốt và yên tâm bật quạt, điều hòa cho con nhé! Nếu thấy trẻ vã nhiều mồ hôi hoặc cựa quậy liên tục, ngủ không ngon giấc, bạn có thể cởi bớt quần áo hoặc chăn đắp cũng như điều chỉnh lại hệ thống thông gió trong phòng. Cẩn thận hơn, bạn có thể sử dụng nhiệt kế để đo chính xác nhiệt độ phòng.

Trẻ bị thiếu vi chất

Vậy thiếu hụt vitamin D có gây rụng tóc vành khăn không? Câu trả lời là có. Vi chất này tham gia điều chỉnh sự phát triển và biệt hóa của các tế bào sừng (keratin) ở da và tóc. Nhiều nghiên cứu trên trẻ còi xương thiếu vitamin D đã phát hiện và khẳng định kết luận này.

Tuy nhiên, vitamin D không phải vi chất duy nhất liên quan tới hiện tượng rụng tóc vành khăn ở trẻ nhỏ. Thiếu vitamin B, C hoặc sắt, kẽm, selen cũng là những thủ phạm mà bố mẹ cần cảnh giác.

không phải trẻ nào rụng tóc vành khăn cũng do thiếu vitamin d
Thiếu vitamin D chỉ là một nguyên nhân dẫn đến rụng tóc vành khăn ở trẻ nhỏ

Các vitamin nhóm B như biotin, acid folic, vitamin B12 đóng vai trò quan trọng với sức khỏe của da, tóc, móng. Khi thiếu các vitamin này, trẻ sẽ bị rụng tóc, viêm da. Kèm theo đó là mệt mỏi, da xanh xao, môi và lòng bàn tay nhợt nhạt do thiếu máu.

Vitamin C tham gia tổng hợp collagen – một thành phần của sợi tóc đồng thời thúc đẩy cơ thể hấp thu sắt. Trong khi đó, sắt lại thúc đẩy tế bào hồng cầu mang đủ oxy và các chất dinh dưỡng tới nuôi dưỡng da đầu. Nếu thiếu sắt, vùng da đầu của trẻ sẽ không được nuôi dưỡng đầy đủ, tóc càng dễ rụng và khó mọc. Ngoài ra, khi thiếu hụt hai vi chất này, trẻ hay bị ốm vặt, mệt mỏi, buồn ngủ và kém tập trung.

Kẽm cũng là vi chất quan trọng nhất định phải “điểm mặt kể tên” khi trẻ xuất hiện tình trạng rụng tóc. Vi chất này đảm nhiệm vai trò kích thích các nang tóc tăng sinh và biệt hóa. Khi cơ thể không nhận đủ kẽm, các nang tóc của trẻ sẽ yếu ớt, dễ gãy và chậm mọc tóc. Bạn có thể nhận biết dấu hiệu thiếu kẽm ở trẻ em bằng các dấu hiệu khác như chán ăn, rối loạn tiêu hóa, viêm da và niêm mạc miệng.

Như vậy, khi thấy trẻ bị rụng tóc vành khăn, đặc biệt trong giai đoạn 3 – 6 tháng tuổi, bố mẹ đừng vội vàng bổ sung thật nhiều vitamin D cho trẻ nhé!

Tài liệu tham khảo: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6380979/

Hạnh Trang

Hạnh Trang tốt nghiệp chuyên ngành Bác sĩ Đa khoa và hiện đang là cây viết chuyên nghiệp trong lĩnh vực Sức khỏe Phụ nữ - Trẻ em. Ba giá trị mà cô luôn đề cao trong các bài viết của mình là: tin cậy, gần gũi và hữu ích.

Bài viết cùng chủ đề

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

error: Content is protected !!