Con khỏe mạnh – Mẹ an yên

Hiểu đúng về ho và thuốc ho trẻ em

Một trong những câu hỏi mà mình nghe được nhiều nhất từ các bậc phụ huynh là: “Bác sĩ ơi, con em ho lắm, bác sĩ kê giúp em thuốc ho cho cháu nhé!”, “Bác sĩ ơi, vì sao con em bị viêm phổi, vào viện điều trị 3 ngày rồi mà ho càng tăng lên?”… Phần lớn các ông bố bà mẹ đều rất sốt ruột khi trẻ con bị ho. Nhưng ho có thực sự xấu không và có cần điều trị ngay không? Liệu các bậc phụ huynh có đang lạm dụng thuốc ho trẻ em không? Hãy cùng mình tìm hiểu trong bài viết ngày hôm nay.

Nội dung chính

Ho là do bệnh lý hô hấp?

Câu trả lời là chưa hẳn. Ho thường là biểu hiện của bệnh lý đường hô hấp, như: viêm họng, viêm phổi, hen phế quản, viêm mũi dị ứng, dị vật đường thở bỏ quên… Nhưng trẻ con bị ho cũng có thể do nguyên nhân từ đường tiêu hóa (trào ngược dạ dày thực quản) hoặc bệnh lý tim bẩm sinh.

Ho là tốt hay xấu?

Vừa tốt vừa xấu. Ho giúp tống dị vật, đờm dãi ra khỏi đường hô hấp để làm sạch, làm thông thoáng đường thở. Ho cũng giống như sốt, là một phản ứng bảo vệ cơ thể. Vì vậy, bố mẹ đừng sợ con bị ho. Tuy nhiên, ho quá nhiều sẽ khiến trẻ khó chịu, kém ăn, khó ngủ và mệt mỏi.

Có những loại ho nào?

Ho khan và ho có đờm là hai loại ho thường được nhắc đến nhiều nhất. Ho có đờm là tiếng ho lọc xọc, biểu hiện của tình trạng đường thở xuất tiết nhiều. Trẻ con ho có đờm khi nhiễm khuẩn đường hô hấp. Trong khi ho khan thường do nguyên nhân dị ứng: hen phế quản, viêm mũi dị ứng…

Tình trạng ho của trẻ sẽ thay đổi theo diễn biến bệnh. Ví dụ: khi trẻ bị viêm đường hô hấp, ban đầu trẻ con ho khan. Sau 1 – 3 ngày, trẻ chuyển sang ho có đờm và ho nhiều hơn.

ho và thuốc ho trẻ em
Không phải cứ ho là xấu và cần phải dùng thuốc giảm ho

Có nên dùng thuốc ho trẻ em không?

Có và không, câu trả lời tùy thuộc loại ho của trẻ. Ho có đờm giúp trẻ tống những chất xuất tiết của đường thở ra ngoài. Vì vậy, ho có đờm là một phản ứng tốt của cơ thể. Không nên dùng thuốc ho trẻ em trong trường hợp này vì sẽ góp phần làm tăng nguy cơ bít tắc đường thở, khiến bệnh thêm nặng. Bố mẹ hãy là những bậc phụ huynh sáng suốt. Hãy để con được ho và khỏi bệnh.

Ngược lại, ho khan do cơ chế dị ứng thường kéo dài, khiến trẻ mệt mỏi, kém ăn, ngủ không yên giấc. Trong trường hợp này, bố mẹ có thể sử dụng thuốc ho trẻ em.

Thuốc ho và thuốc long đờm

Các bậc phụ huynh hay nhầm lẫn giữa thuốc giảm ho và thuốc long đờm. Thuốc ho trẻ em có tác dụng giúp trẻ đỡ ho, được sử dụng khi trẻ ho khan. Ngược lại, thuốc long đờm làm mềm, làm nhỏ đờm, giúp trẻ dễ dàng nôn (đối với trẻ nhỏ) hoặc khạc đờm (đối với trẻ lớn) ra ngoài. Khi sử dụng thuốc long đờm, trẻ thậm chí có thể ho nhiều hơn để tống hết đờm ra khỏi đường thở. Đây là lời giải thích cho việc vì sao “bé vào viện lại ho nhiều hơn”. Các bác sĩ hiểu rằng ho có đờm là phản xạ tốt, là diễn biến bình thường khi trẻ bị nhiễm khuẩn đường hô hấp. Vì vậy, trẻ càng có phản xạ ho tốt, càng khạc được đờm ra ngoài thì càng nhanh khỏi bệnh.

Các loại thuốc ho trẻ em phổ biến

Các thuốc ho trẻ em thông dụng trên thị trường Việt Nam hiện nay là: Atussin, Babycanyl… Tuy nhiên, các thuốc ho cần thận trọng hoặc chống chỉ định với trẻ dưới 2 tuổi. Nguyên nhân là do thuốc giảm ho có tác dụng ức chế thần kinh trung ương của trẻ. Vì vậy, bố mẹ không nên tự ý mua thuốc ho cho con. Hãy đưa con đi khám hoặc hỏi ý kiến của bác sĩ để được tư vấn và kê đơn thuốc phù hợp.

thuốc ho trẻ em phổ biến
Thuốc ho trẻ em được dùng khi trẻ ho khan nhiều, khiến trẻ mệt mỏi, ăn kém, ngủ ít

Các loại thuốc long đờm phổ biến

Các thuốc long đờm thông dụng: Bisolvon, Mucosolvan, Halixol, Acemuc, ACC, Khí dung NaCl 3% (trong bệnh viện)… Công dụng của các loại thuốc long đờm là giúp trẻ dễ nôn, ho được đờm ra ngoài đồng thời hỗ trợ kháng sinh phát huy tác dụng điều trị.

thuốc long đờm phổ biến ở trẻ em
Thuốc long đờm giúp trẻ dễ nôn, khạc đờm ra ngoài và tăng tác dụng điều trị của kháng sinh

Thuốc ho thảo dược và bài thuốc dân gian

Thuốc ho thảo dược như Prospan, Bổ phế… và các bài thuốc dân gian như mật ong, chanh, tinh dầu quế, bạc hà, gừng… cũng thường được sử dụng để giảm ho, long đờm. Cơ chế của những phương thuốc này là tăng áp lực thẩm thấu, kích thích phản xạ ho. Tuy nhiên, chưa có nhiều nghiên cứu về hiệu quả và tính an toàn của thuốc ho thảo dược và các bài thuốc dân gian đối tượng trẻ em. Đặc biệt đối với trẻ nhỏ – nhóm trẻ dễ mắc bệnh lý đường hô hấp và cơ thể còn non nớt. Vì vậy, bố mẹ không nên lạm dụng và cần lắng nghe lời khuyên từ bác sĩ.

thuốc ho thảo dược và bài thuốc dân gian trị ho
Thuốc ho thảo dược và bài thuốc dân gian chưa được chứng minh tính hiệu quả và an toàn trên trẻ nhỏ

Cách giảm ho không dùng thuốc ở trẻ em

Chăm sóc và hỗ trợ trẻ khi trẻ bị ho rất quan trọng và hữu ích. Bố mẹ có thể giúp trẻ dễ chịu và nhanh khỏi ốm hơn bằng cách:

  • Đảm bảo đủ nước và/ hoặc sữa cho trẻ để đờm không bị quánh đặc, trẻ dễ ho và nôn khạc được đờm ra ngoài. Đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi, bạn nên cho bé bú sữa mẹ. Đối với trẻ lớn, bố mẹ có thể bổ sung cho trẻ thêm nước hoa quả để tăng cường vitamin và khoáng chất, giúp nâng cao sức đề kháng.
  • Chia nhỏ bữa ăn để đảm bảo đủ năng lượng cho con. Đối với trẻ bú mẹ, hai bữa sữa nên cách nhau khoảng 2 giờ. Nếu trẻ bú quá kém, mẹ nên vắt sữa, đổ thìa cho bé. Đối với trẻ lớn, bạn nên cho trẻ ăn 5 – 6 bữa/ ngày.
  • Trẻ nhỏ thường nôn sau khi ho. Vì vậy, bố mẹ nên cho trẻ nằm nghiêng hoặc nằm tư thế đầu cao khi trẻ nôn, giúp trẻ không bị sặc và dẫn tới viêm phổi nặng hơn.
  • Thay đổi tư thế 2 giờ/ lần rất quan trọng ở những trẻ có vấn đề về vận động. Biện pháp này giúp đờm không bị ứ đọng trong đường thở và có thể dẫn lưu ra ngoài tốt hơn.
  • Lý liệu pháp hô hấp giúp trẻ ho, nôn đờm dễ dàng hơn. Các bác sĩ sẽ dùng bàn tay thực hiện các động tác vỗ, rung trên ngực và lưng trẻ. Bố mẹ yên tâm rằng các động tác vật lý trị liệu này không gây đau đớn cho trẻ. Tại thời điểm thực hiện, trẻ có thể nôn, ho dữ dội nhưng sau đó trẻ sẽ thoải mái và nhanh khỏi bệnh hơn.

Hi vọng bài viết đã giúp các bậc phụ huynh hiểu đúng hơn về ho và thuốc ho trẻ em. Từ đó, bố mẹ sẽ vững vàng và sáng suốt hơn trên hành trình chăm sóc và nuôi dạy con cái.

Hạnh Trang

Hạnh Trang tốt nghiệp chuyên ngành Bác sĩ Đa khoa và hiện đang là cây viết chuyên nghiệp trong lĩnh vực Sức khỏe Phụ nữ - Trẻ em. Ba giá trị mà cô luôn đề cao trong các bài viết của mình là: tin cậy, gần gũi và hữu ích.

Bài viết cùng chủ đề

1 Comment

  1. […] Thuốc long đờm hay thuốc tiêu đờm được sử dụng khi trẻ ho có đờm. Khi uống loại thuốc này, trẻ sẽ dễ dàng khạc/ nôn được đờm ra ngoài. Ngược lại, thuốc giảm ho được sử dụng khi trẻ ho khan quá nhiều, ho khiến trẻ mất ngủ, ăn kém. Bố mẹ cần lưu ý rằng, nhiều loại thuốc giảm ho chống chỉ định với trẻ dưới 2 tuổi. Vì vậy, bố mẹ nên tham khảo ý kiến của bác sĩ, dược sĩ trước khi cho trẻ sử dụng. […]

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

error: Content is protected !!