Con khỏe mạnh – Mẹ an yên

Thế nào là ở cữ đúng cách?

Chuyện ở cữ là cơn ác mộng với nhiều phụ nữ Việt Nam. Nào là kiêng nước, không được tắm rửa, nào là thực đơn móng giò, rau ngót lặp đi lặp lại. Kèm theo đó, không khí căng thẳng do bất đồng quan điểm giữa các thế hệ trong gia đình càng khiến giai đoạn ở cữ trở nên nặng nề, mệt mỏi. Vậy làm cách nào để bạn thoát khỏi cuộc khủng hoảng về thể chất lẫn tinh thần này? Yếu tố tiên quyết chính là hiểu rõ thế nào là ở cữ đúng cách.

Nội dung chính

Ở cữ có cần thiết không?

Ở cữ là thời gian sau sinh, kéo dài khoảng 6 tuần từ khi em bé ra đời. Đây là giai đoạn cơ thể người mẹ phục hồi và trở về trạng thái bình thường, giống như trước khi mang thai. Đó là lý do ở cữ còn được gọi là “tam cá nguyệt thứ tư” – giai đoạn cuối cùng liên quan tới thai kỳ của người mẹ.

Trong 6 tuần hậu sản, phụ nữ cần chế độ chăm sóc đặc biệt để đảm bảo sức khỏe hồi phục tốt và bắt đầu hành trình nuôi con. Ngoài ra, quan tâm tới giai đoạn ở cữ cũng góp phần nâng cao sức khỏe và chất lượng nuôi dưỡng trẻ sơ sinh. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, trung bình 500.000 phụ nữ tử vong mỗi năm do biến chứng của thai kỳ và sinh đẻ, trong đó hầu hết xảy ra trong hoặc ngay sau khi sinh. Thêm nữa, hàng năm, gần 4 triệu trẻ sơ sinh tử vong ngay trong 4 tuần đầu tiên của giai đoạn hậu sản. Vì vậy, ở cữ đúng cách rất cần thiết và được nhiều gia đình quan tâm.

Ở cữ đúng cách như thế nào?

Mặc dù ở cữ là cần thiết nhưng thế nào mới là ở cữ chính xác và phù hợp? Trong giai đoạn sau sinh, người mẹ cần chú ý với chế độ dinh dưỡng, vận động và vệ sinh.

Chế độ dinh dưỡng

Giống như giai đoạn mang thai, trong thời gian ở cữ, bà mẹ nên duy trì chế độ ăn uống cân bằng và bổ dưỡng. Bữa ăn nên đầy đủ các nhóm chất tinh bột (cơm, cháo, ngũ cốc), chất đạm (thịt, cá, đậu), chất béo (dầu, mỡ, các loại hạt), rau xanh và trái cây. Không nên kiêng khem hoặc ăn liên tục một loại thực phẩm vì lợi sữa, tốt cho phụ nữ sau sinh. Thử tưởng tượng, ngày nào bạn cũng ăn cháo móng giò hoặc canh rau ngót thì sẽ thế nào? Chắc chắn vị giác của bạn sẽ chuyển từ ngon miệng sang tạm được rồi nhanh chóng trở thành chán ghét, sợ hãi. Ăn uống đa dạng các món không chỉ giúp bạn ngon miệng mà còn cung cấp đầy đủ năng lượng và các chất dinh dưỡng cho cả mẹ và bé.

Chế độ ăn cho mẹ ở cữ
Khi ở cữ, bạn nên ăn đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng

Hơn 80% thành phần của sữa mẹ là nước. Trong giai đoạn cho con bú, cơ thể người mẹ cần nhiều hơn 800 ml nước mỗi ngày so với phụ nữ bình thường để tạo sữa. Vì vậy, bạn hãy uống đủ 1,5 – 2 lít nước mỗi ngày. Bạn cũng có thể uống thêm sữa hoặc nước canh trong bữa ăn. Tuy nhiên, nên hạn chế sử dụng rượu bia, trà, cà phê vì các chất kích thích trong những thức uống này có thể đi qua sữa mẹ và ảnh hưởng tới em bé. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ khuyến cáo phụ nữ đang cho con bú không nên uống quá 2 – 3 tách cà phê mỗi ngày.

Bên cạnh đó, khi chế biến bữa ăn cho mẹ, cần đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Nên lựa chọn thực phẩm tươi ngon và rửa tay trước khi nấu nướng, sau khi tiếp xúc với thực phẩm sống. Thức ăn cần được rửa sạch, nấu chín và không nên lưu trữ lâu ngày trong tủ lạnh.

Vận động thể lực

Trong thời gian ở cữ, bà mẹ nên nghỉ ngơi để hồi phục cơ thể. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là bạn chỉ nằm yên trên giường hoặc ngồi trong phòng suốt 6 tuần hậu sản. Vận động nhẹ nhàng trong những ngày đầu sau sinh giúp tống sản dịch, co hồi tử cung và giảm thiểu nguy cơ hình thành huyết khối, gây tắc mạch. Thêm nữa, bạn cũng sẽ cảm thấy thư giãn, bớt lo âu, muộn phiền sau khi vận động cơ thể.

Vì vậy, trong giai đoạn ở cữ, bạn nên kết thân với những bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, kéo giãn cơ thể, yoga. Tuyệt đối tránh vận động cường độ cao hoặc mang vác vật nặng vì có thể ảnh hưởng tới vết khâu tầng sinh môn hoặc trên thành bụng. Theo Đại học Sản Phụ khoa Hoa Kỳ, phụ nữ sau sinh nên vận động cơ thể 150 phút mỗi tuần. Bạn có thể chia nhỏ thời gian này cho từng ngày, chẳng hạn, 2 lần đi bộ trong ngày, mỗi lần 10 phút.

vận động nhẹ nhàng khi ở cữ
Trong thời gian ở cữ, bạn nên vận động nhẹ nhàng hàng ngày

Vệ sinh thân thể

Kinh nghiệm dân gian cho rằng phụ nữ sau sinh không nên tắm rửa vì sẽ gây run tay, đau khớp sau này. Tuy nhiên, quan điểm này không chính xác. Không vệ sinh cơ thể khiến bà mẹ cảm thấy nhớp nháp, khó chịu bởi mồ hôi đọng lại trên da. Từ đó, các lỗ chân lông của mẹ sẽ kém thông thoáng, vi sinh vật có điều kiện thuận lợi để phát triển gây viêm da, nhiễm trùng vết khâu, vết mổ. Thậm chí, trẻ sơ sinh cũng có thể bị lây bệnh từ mẹ và nhiễm khuẩn ngoài da. Thêm nữa, mùi cơ thể khó chịu còn làm nặng hơn thêm tâm lý tự ti và mặc cảm về ngoại hình của phụ nữ sau sinh. Mặt khác, cơ thể sạch sẽ, thơm tho sẽ khiến tâm trạng của bà mẹ thoải mái, giúp sữa về nhiều hơn. Do đó, phụ nữ sau sinh nên vệ sinh cơ thể hàng ngày với nước ấm.

phụ nữ ở cữ vẫn tắm rửa
Kiêng tắm rửa không phải ở cữ đúng cách

Trong quá trình tắm rửa, bạn nên chú ý tới vết khâu tầng sinh môn hoặc vết mổ trên thành bụng. Bạn có thể rửa sạch vết khâu bằng nước ấm, sau đó thấm khô. Phụ nữ sau sinh nên mặc quần áo và quần lót rộng rãi, thoáng mát, ưu tiên bằng chất liệu cotton để không chà xát vào vết khâu, gây đau rát, khó chịu. Nếu vết khâu nề đỏ, chảy dịch, bạn nên nhờ sự tư vấn và trợ giúp của nhân viên y tế.

Bên cạnh vệ sinh thân thể, chăm sóc răng miệng cũng rất quan trọng với các bà mẹ trong thời gian ở cữ. Nếu không vệ sinh đầy đủ, vi khuẩn trong khoang miệng của bạn sẽ sinh sôi mạnh mẽ rồi lây truyền từ mẹ sang con thông qua ôm hôn, âu yếm. Đây chính là lý do vì sao trẻ có mẹ bị sâu răng thường phải đối diện với bệnh lý này rất sớm, ngay từ lúc 6 – 36 tháng tuổi. Vì vậy, phụ nữ sau sinh nên súc miệng sau khi ăn, dùng chỉ nha khoa và đánh răng 2 lần mỗi ngày.

6 tuần đầu sau sinh là giai đoạn quan trọng đối với mẹ và bé. Đây là thời gian để hồi phục cơ thể của mẹ, chăm sóc sức khỏe của con và tạo tiền đề cho cuộc sống khỏe mạnh, hạnh phúc của cả gia đình. Vì thế, để ở cữ đúng cách, bạn nên tin theo những quan điểm khoa học và gạt bỏ những lời đồn sai lầm để bảo vệ sức khỏe của hai mẹ con.

Hạnh Trang

Hạnh Trang tốt nghiệp chuyên ngành Bác sĩ Đa khoa và hiện đang là cây viết chuyên nghiệp trong lĩnh vực Sức khỏe Phụ nữ - Trẻ em. Ba giá trị mà cô luôn đề cao trong các bài viết của mình là: tin cậy, gần gũi và hữu ích.

Bài viết cùng chủ đề

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

error: Content is protected !!